<!—->
Bánh gio gắn liền với sản xuất nông nghiệp, bởi được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gói trong lá dong, lá chuối. Nghề làm bánh gio ở đảo Hà Nam đã được truyền qua nhiều đời, tuy cuộc sống người dân vùng nông thôn đã đổi thay rất nhiều, nhưng bánh gio vẫn giữ đậm nét quê, ẩm thực vùng đất Quảng Yên.
Bánh gio được làm quanh năm, nhưng để có chiếc bánh ngon thì vào khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, vì vào các thời điểm này đúng vụ gặt, bánh gio được làm bằng gạo nếp mới và đây cũng là thời điểm người làm bánh gio để phục vụ Tết Nguyên đán. Vào dịp Tết ở vùng đảo Hà Nam, bánh gio bán chạy hơn bánh chưng, tuy cùng được làm từ gạo nếp, nhưng bánh gio ăn mát, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ở Hà Nam có nhiều làng làm bánh gio, như Phong Cốc, Phong Hải, Yên Đông, Cẩm La. Trong chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm xây dựng nông thôn mới, bánh gio Cẩm La là sản phẩm được TX Quảng Yên lựa chọn.
Ở Cẩm La hầu như nhà nào cũng có người biết làm bánh gio, nhưng chỉ có 3 hộ làm bánh theo hướng sản xuất hàng hoá, còn các hộ khác chỉ làm bánh vào các dịp lễ, Tết, hội làng, mừng thọ… chủ yếu phục vụ trong gia đình. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Dương Thị Tâm (thôn Cẩm Tiến) là hộ sản xuất bánh gio lớn nhất ở xã Cẩm La. Bà Tâm đã có 20 năm làm nghề này. Mùa hè bánh gio xuất bán kém hơn, nhưng mỗi ngày bà cũng tiêu thụ khoảng 400 cái. Ngày Tết, bánh gio làm không đủ rao, gia đình bà phải thuê thêm người làm, sản xuất hàng nghìn cái/ngày cũng không đủ bán.
Nguyên liệu làm bánh gio là những cây có sẵn ở xã. Quảng Yên có hơn 34km bờ biển có rất nhiều những khu rừng ngập mặn, trong đó có rất nhiều cây giá, có hình dáng như cây sú, vẹt chỉ sống nhiều ven sông Bạch Đằng. Đây là nguyên liệu chính để đốt thành gio làm bánh gio. Khi còn trẻ, bà Tâm tự chèo thuyền ra rừng ngập mặn để lấy cây giá. Bây giờ tuổi cao, công việc bận hơn, nên bà mua cây giá từ những người khai thác bán rao. Cây giá được đốt lấy gio rồi đem ngâm, lọc đi lọc lại để lấy nước trong, đem hoà với chút nước vôi trắng cho sạch và nhuyễn gạo. Gạo để gói bánh tốt nhất là nếp cái hoa vàng, không được lẫn với gạo tẻ. Bánh được gói với lá chuối hoặc lá dong, bí quyết là tỷ lệ pha gạo với nước gio phù hợp thì bánh mới ngon. Dẫu nguyên liệu sản xuất bánh gio có sẵn trong tự nhiên, nhưng bánh gio của đảo Hà Nam, trong đó có xã Cẩm La là nổi tiếng nhất. Chợ Rừng, nằm ở phường Yên Giang, khu vực trung tâm thị xã, là nơi tập kết bánh gio ở các xã sản xuất bánh đem đến, từ đây bánh gio được phân toả ra nhiều vùng miền như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn… và sang cả Hải Phòng.
Năm nay, TX Quảng Yên đã có kế hoạch, văn bản hướng dẫn các xã lựa chọn sản phẩm trong chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, trong đó có bánh gio Cẩm La. Bánh gio Cẩm La đang được tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, làm bao bì mẫu mã, mã số, mã vạch, phân tích chất lượng sản phẩm xây dựng thương hiệu. Thị xã cũng đưa ra mức hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở sản xuất sản phẩm. Như vậy, đến nay, cùng với nem chua, nem chạo phường Quảng Yên; hà treo dây xã Hoàng Tân; trứng gà Tân An; thuyền nan (đan) Nam Hoà…, bánh gio Cẩm La là những sản phẩm mang đặc trưng vùng đất Quảng Yên được chọn để triển khai “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch