Theo các cụ cao niên ở Bằng Cả kể, trước người Dao Thanh Y ở Bằng Cả cũng sống khá sâu trong rừng, trên núi. Về sau họ thay đổi nếp sống chuyển dần xuống các khu vực ven rừng, đồi. Người Dao vốn rất sùng bái tổ tiên, coi trọng các lễ, hội thờ cúng, tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Trong các lễ hội này không thể thiếu các món ăn như bánh đường, làm từ chính các nông sản trồng cấy được, gói bằng các loại lá cây rừng.
Theo nghệ nhân Trương Thị Quý (thôn 2, xã Bằng Cả), người am hiểu về phong tục tập quán, cách chế biến các loại bánh truyền thống của dân tộc mình thì bánh đường có từ lâu đời, được dùng trong các lễ trọng dịp tháng Giêng, hai.
Bánh đường thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với tiền nhân, ông bà tổ tiên và mong một năm mới bội thu. Thoạt nghe bánh đường của người Dao, nhiều người sẽ nghĩ việc chế biến sẽ khá cầu kỳ, phức tạp như nhiều loại bánh, xôi, nhưng thực ra bánh đường lại được chế biến đơn giản, lại có hương vị tuyệt ngon, là sự hòa quyện của đường phên, gạo nếp và gói bằng lá cây rừng.
Để chế biến món bánh đường không khó nhưng quan trọng nhất là phải lựa chọn nguyên liệu ngon gồm đường phên và gạo nếp. Để chuẩn bị món bánh dâng tổ tiên, những vạt nếp cái được cấy trồng trên những thửa ruộng màu mỡ nhất sẽ được để dành làm bánh. Lúa nếp được xay xát, sàng cẩn thận, chọn những hạt tròn mẩy.
Đường dùng làm bánh là loại đường phên có màu đỏ, đóng thành từng bánh, được kéo từ mật mía hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Đường phên chứa nguyên tố vi lượng phong phú, trong đó có một số vi chất có tác dụng kích thích tạo máu rất mạnh mẽ, rất tốt cho sức khỏe. Ngày nay ít người biết cách làm và ít nhìn thấy bởi thói quen sử dụng đường tinh luyện, đường phên đã dần vắng bóng.
Gạo được ngâm từ 2 – 3 tiếng rồi đưa đi đồ xôi. Xôi chín khi đang còn nóng được xới lên gói bánh ngay bọc bằng lá vả rừng. Bánh được gói với 3 lớp gồm một lớp xôi trải đều, một lớp đường phên cạo mỏng ở giữa rồi sau đó được phủ bằng một lớp cơm nếp nóng phía trên.
Bánh đường được nghệ nhân gói khéo léo từ xôi nóng, đường phên và lá cây vả trên rừng
Bánh đường gói kín, như chiếc bánh chưng gù mà không hề dùng dây buộc.
“Có lẽ thao tác khó nhất là khi gói cần phân chia cơm nếp tập trung nhiều nhất ở phần giữa, thoải đều ra hai bên thành hình hệt chiếc bánh chưng gù. Yêu cầu khi gói bánh là phải gói chặt tay bằng 1 hoặc 2 lớp lá vả, phần trên bánh được “khóa” khéo bằng những nếp gấp, phần lá hai đầu bánh được bẻ gập xuống. Chiếc bánh rất kín mà không dùng bất cứ một loại dây buộc nào.
Lá vả dày, gói chặt giúp bánh giữ nhiệt tốt. Nhờ nhiệt của xôi nóng được giữ tốt, đường phên tan ra ngấm đều vào từng hạt gạo. Đường càng ngấm kỹ càng ngon. Vì thế bánh đường rất phổ biến để người Dao mang đi rừng hay làm nương ăn, để lâu mà không hề bị nguội mà càng để lâu càng ngon, gạo càng ngấm đường mật mía” – Nghệ nhân Trương Thị Quý chia sẻ.
Thưởng thức bánh đường nóng quả thật là một cảm giác ngon khó quên. Cũng là xôi nhưng bánh đường luôn giữ được sức nóng, thơm nức, ngấm đẫm vị mật mía vào từng hạt gạo khiến chúng vàng xuộm, nóng hôi hổi. Vừa thổi vừa ăn, vừa thưởng thức vị thơm gạo nếp cái, ngấm đẫm mật mía và vị thơm dễ chịu của lá rừng. Du khách ghé thăm lễ hoặc hội làng đầu năm dịp tháng Giêng, hai của người Dao Thanh Y ở đây sẽ được thưởng thức món bánh lạ này.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch