Làng Nguyễn ( xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình)không chỉ nổi tiếng vì là một làng anh hùng trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà còn nổi tiếng vì là một làng đa nghề, trong đó có nghề làm bánh cáy. Dân gian xếp bánh cáy làng Nguyễn đứng đầu một số bánh trong vùng.
Bánh cáy có nguồn gốc từ chè kho, chè lam nhưng có thêm nhiều phụ gia. Theo cách giải thích của người làng Nguyễn, bánh cáy có giá trị bồi dưỡng cơ thể, điều này có thể đúng khi tìm hiểu xuất xứ của bánh cáy. Người làng Nguyễn còn bảo khoa học đã xác định trong cơ thể con người có ngũ tạng (Tâm, can, tỳ, phế, thận) rất quan trọng. Bánh cáy có ngũ sắc (đỏ, xanh, vàng, trắng, đen) có bát vị (đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi, ngậy, béo) những thứ này có giá trị bồi dưỡng cơ thể.
Bánh cáy xưa chỉ được làm vào mùa Đông, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán (nay thì làm quanh năm). Bánh được chế biến từ gạo nếp – phải là nếp cái hoa vàng, loại lúa đặc sản của quê hương. Lúa chỉ cấy mỗi năm một vụ, cấy vào vụ chiêm, thu hoạch vào vụ mùa.
Bánh cáy Làng Nguyễn – đặc sản của quê lúa Thái Bình. (Ảnh Internet)
Lúa gặt về được tuốt bằng tay, dùng đôi đũa kẹp vào bông lúa để tuốt thóc ra khỏi lúa, đem phơi khô, quạt sạch, xay giã thành gạo. Gạo được ngâm, nấu thành xôi, để nguội, xôi được giã thành bánh dầy. Xắt bánh dầy thành miếng đem phơi khô, nhuộm màu rồi thái thành sợi. Những “sợi” bánh dày được đem rang cho phồng lên – đây là nguyên liệu chính của bánh cáy (dân thường gọi là cái là mẹ). Mầu của bánh được sản xuất từ gấc, hoa dành dành…
Ngoài nguyên liệu chính, phải có đường, mật và các phụ gia, những thứ này cũng không kém phần quan trọng, gồm có :
– Bỏng nếp – gạo nếp làm thành cốm, rang thành bỏng.
– Lạc, vừng rang chín xoa, giã nhẹ bỏ vỏ.
– Gừng già rửa, cạo sạch vỏ, xắt thành miếng nhỏ, mỏng.
– Thịt lợn (mông, vai)
– Muối…
Những phụ gia trên được ví như con của cái.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, người ta bắc chảo lên bếp cho mật mía hoặc đường vào chảo đun sôi rồi cho nguyên liệu chính và các phụ gia vào chảo ra khỏi bếp, múc bánh đổ vào khuôn – mỗi khuôn có chiều dài 40cm, cạnh góc vuông đầu bánh 7cm x 7cm. Bánh nguội được gói vào giấy hồng… cứ 2 phong làm thành một thước. Khi ăn, xắt bánh ra thành từng lát (dày, mỏng tuỳ thích) bày lên đĩa… Bánh cáy có mùi thơm của lúa nếp, có vị cay, ngọt, ngậy, bùi ăn rất ngon. Người làng Nguyễn xưa làm bánh cáy để cúng tổ tiên, để làm quà biếu làm theo đơn đặt hàng… còn chuyện bánh cáy tiến vua được kể rằng:
Xưa ở làng Nguyễn có gia đình Phúc Đình hầu, Nguyễn Đoan Tước, một gia đình danh gia vọng tộc. Nguyễn Đoan Tước được phong tới tước Quận công, các con trai ông người là Hoài Viễn tướng quân, người là Từ Úy tướng quân, người là Thiêm sự và đều được phong tước hầu. Con gái ông Nguyễn Thị Tần, nổi tiếng nết na, hiền thục, chỉ học theo các anh nhưng chữ nghĩa, kinh sử cũng làu thông. Năm 16 tuổi, bà theo phụ thân vào kinh, vua Lê Hiển Tông (1740 -1786) thấy bà công, dung, ngôn, hạnh đều giỏi liền cho bà vào cung. Khi sinh Thái tử Lê Duy Vĩ, vua cho bà làm nhũ mẫu. Duy Vĩ là người thông minh tài trí, khi được phong làm Thái tử, Duy Vĩ có ý định khôi phục lại quốc thống. Trịnh Sâm vốn có thù oán với Thái tử nên đã vu oan cho Thái tử bắt bỏ ngục, sau giết chết Thái tử (1771). Thời gian Thái tử bị giam trong ngục Trịnh Sâm chỉ cho nhũ mẫu Nguyễn Thị Tần qua lại thăm nom. Thấy Thái tử không nuốt nổi cơm nhà ngục từ món chè lam ở quê nhà với những thứ ăn sẵn có ở trong cung bà liền nghĩ cách làm ra loại bánh – sau này là bánh cáy làng Nguyễn để Thái tử ăn thay cơm, nhờ đó Thái tử sống qua gần 2 năm trong ngục. Chuyện bại lộ, bà bị Trịnh Sâm bắt bỏ ngục, bị giam cầm hơn chục năm. Năm Cảnh Hưng thứ 43 (1882) phủ chúa có loạn bà mới được ra khỏi ngục. Vua Lê Hiển Tông phong cho bà làm Quận phu nhân. Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) con trai của Lê Duy Vĩ lên ngôi, gia phong cho bà là “Kiệt tiết công thần Bảo mẫu đại vương”. Thời ấy xã hội loạn lạc, bà xin về quê… Tại quê bà đã đem ruộng lộc điền hiến cho làng và các làng trong vùng, bà lại đem kinh nghiệm làm bánh cáy truyền dạy cho dân. Khi bà mất, dân lập đền thờ, tôn bà làm tổ nghề.
Cho đến hôm nay , những người con Thái Bình xa quê , dù ở nơi nào trên trái đất , vẫn nhớ và thèm vị bánh cáy quê hương , và tự hào thêm về vùng quê Thái Bình văn hiến của mình./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch