Trải qua một thời gian dài cùng nhau chung sống, sinh hoạt, lao động, giao thoa văn hóa, với tính cách cởi mở, tâm hồn phóng khoáng cộng với sự chăm chỉ, đảm đang, khéo léo của mình, 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Sóc Trăng đã biến tấu các loại bánh dân gian trở nên đa dạng mẫu mã, phong phú về công thức cũng như hình thức chế biến.
Hàng trăm các loại bánh trong gian bếp của các bà nội trợ ngày nay đã thường xuyên có mặt trong các dịp lễ, hội chợ, liên hoan ẩm thực khu vực, quốc gia, quốc tế. Tiêu biểu như huy chương vàng bánh ống tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2017 của nghệ nhân Thạch Thị Thanh Sang, Triệu Sa Đa; huy chương bạc cốm dẹp và huy chương vàng bánh bầu năm 2018, huy chương bạc bánh củ cải năm 2019 của nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan.
Bánh bông lúa Sóc Trăng – Huy chương bạc tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX tại Cần Thơ năm 2022.
Vào năm 2022, tại Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX tổ chức ở Cần Thơ, bánh bông lúa của nghệ nhân Lý Mỹ Khánh (Sóc Trăng) đã vinh dự được ban tổ chức trao tặng huy chương bạc.
Bánh bông lúa Sóc Trăng thường được làm vào dịp tết Hạ Nguyên hay còn được gọi là Lễ Mừng lúa mới được tổ chức vào ngày 15/10 (âm lịch) hàng năm để dâng cúng Thần Nông. Khi đó, công việc đồng áng tạm ngừng, rơm đầy ruộng, lúa đầy bồ, người nông dân vui mừng cảm ơn Phật trời, tổ tiên gia hộ cho mưa gió thuận hòa để mùa màng bội thu, đồng thời cầu cho gia đạo bình an, cầu siêu cho người đã khuất.
Bánh bông lúa thường làm bằng bột gạo được xay và nặn thành những chiếc bánh dài mềm dẻo mịn, trắng nõn cuộn tròn bên trong thấp thoáng lấm chấm hạt đậu xanh láng mượt, bên cạnh là chén nước cốt dừa, dầu hành thơm phức như thách thức, gọi mời thực khách.
Bột gạo, bột năng, đường, muối, nước cốt dừa tỷ lệ phù hợp cùng hòa tan trong nước để yên 30 phút cho bột nở. Đậu xanh sau khi hấp chín trộn vào hỗn hợp bột đã nở, bắc chảo lên, vặn lửa to, khuấy đều cho đến khi bột trong chảo bắt đầu sánh lại thì vặn nhỏ lửa tiếp tục khuấy đều. Khi bột trong chảo vón thành khối và không còn dính vào chảo nữa thì tắt bếp và để nguội.
Lấy một ít dầu thoa lên tay. Sau đó, lấy một lượng bột vừa đủ rồi nặn thành những thanh dài với độ dài tùy thích. Cứ tiếp tục nặn như thế cho đến khi hết phần bột bánh. Bắc nồi lên bếp, thoa một lớp dầu mỏng lên trên khay hấp. Lần lượt xếp tất cả những thanh bánh đúc đã tạo hình vào nồi hấp và tiến hành hấp từ 12 – 15 phút trên lửa vừa. Sau đó, vớt bánh ra và cho ra dĩa. Hỗn hợp nước cốt dừa pha bột gạo cho sánh lại nêm tý muối đường, vani. Hỗn hợp mỡ hành gồm có muối, hành lá dầu mè dùng chung với bánh.
Mặc dù là bánh chay nhưng rất ngon. Khi thưởng thức, mọi người sẽ bị mê hoặc bởi hương thơm của dầu mè, dầu hành, vị ngọt thơm bùi đậu xanh, đậm đà của gia vị muối, đường, vị béo ngậy của nước cốt dừa.
Bánh bông lúa được chế biến vừa mang đặc điểm truyền thống dân dã bình dị phù hợp vùng đất địa lý những gì thiên nhiên mang tặng vừa thể hiện sự sáng tạo, chất chứa nhiều công sức, tấm lòng của người làm.
Một số nơi người ta còn có cách chế biến bánh bông lúa ra nhiều vị, biến tấu với các tên gọi khác nhau nào là bánh đúc khoai môn, bánh đúc đậu phộng, bánh đúc bắp, bánh đúc dừa, hay như bánh đúc đậu xanh còn có tên gọi khác là bánh bông lúa, bánh bà lúa, bánh lá lúa. “Phảng phất hương vị quê mùa/Bánh đúc bông lúa chan nước cốt dừa khó quên”.
Bánh bông lúa đã hội đủ các yếu tố sắc hương, vị, điểm tô cho đời sống người lao động thêm nhiều màu sắc. Có thể nói bánh dân gian Sóc Trăng ngày càng xuất hiện nhiều thêm với diện mạo tinh tươm sang trọng hơn, sánh đôi cùng nhiều món bánh ngon của tỉnh bạn trong không gian môi trường hoàn toàn mới, ghi ấn tượng độc đáo và thú vị trong lòng thực khách gần xa.
Ngọc Nhân
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch