Thêm phát hiện quan trọng
Hơn 20 năm qua, Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (viết tắt là Vườn Chuối) được xem như ngôi nhà thứ hai của GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung. Ngoài công tác giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), bà dành nhiều thời gian cùng các nhà khảo cổ tiến hành khai quật, phân tích và đánh giá những phát hiện quan trọng tại Vườn Chuối. Từ tháng 3-2024 đến nay, bà thường xuyên có mặt tại Vườn Chuối cùng tham gia khai quật với quy mô lớn trên tổng diện tích 6.000m2.
Chia sẻ về những phát hiện mới tại Vườn Chuối, GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, ngoài những di tích liên quan đến quá trình cư trú và mộ táng của cư dân Vườn Chuối đã được phát hiện trước đây, đợt khai quật này trên một diện tích rộng đã phát hiện những di tích lần đầu tiên được biết đến khi nghiên cứu về thời đại kim khí ở miền Bắc. Đó là mặt bằng cư trú giai đoạn tiền Đông Sơn, các khu mộ táng tiền Đông Sơn, khu mộ táng văn hóa Đông Sơn từ sớm đến muộn; dấu tích gia cố mặt bằng sinh sống thời Đông Sơn; dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn và một số dấu tích thời hậu Đông Sơn. Ngoài ra, đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa, lò đúc/nấu đồng, hố đất đen nhiều kích cỡ và một số di tích sinh hoạt khác. “Những phát hiện trên là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu nhằm giữ lại bản đồ gen tương đối hoàn chỉnh, hình thái nhân chủng, vận động, bệnh lý, chế độ dinh dưỡng của người Việt cổ”, GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định.
Các nhà khoa học giới thiệu nhiều hiện vật được phát hiện tại Vườn Chuối.
Tính đến nay, các đợt khai quật tại Vườn Chuối đã thu được nhiều di vật thuộc các nhóm chất liệu đá, đồng, gốm, xương, sắt… thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn. Trong số này, đồ gốm vụn có số lượng nhiều nhất với khoảng trên 10 tấn gốm và còn nhiều cụm gốm tùy táng vẫn đang được lưu trữ tại hiện trường. Theo PGS, TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện khoảng 54 bộ xương người, nam có chiều cao trung bình khoảng 1,57m; nữ có chiều cao trung bình khoảng 1,49m. Bên cạnh đó còn hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau và vẫn còn được bảo tồn khá tốt. “Trong 60 năm làm khảo cổ, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tục đeo vòng ở khuỷu tay và tùy táng cùng người mất. Những phát hiện mới một lần nữa khẳng định tục nhổ răng cửa và đặt bình gốm dưới chân người mất của người tiền sử. Dựa vào các vật dụng, đồ gốm mai táng cùng thi hài, chúng tôi có thể nhận định một cách tương đối đầy đủ về thời đại họ sống”, PGS, TS Nguyễn Lân Cường cho biết.
Từ di chỉ tới công viên khảo cổ
Vườn Chuối được phát hiện vào năm 1969, đến nay đã trải qua hàng chục cuộc khai quật. Mặc dù là di chỉ khảo cổ học quan trọng, tiêu biểu của Việt Nam nhưng Vườn Chuối vẫn chưa được xếp hạng di tích và trong quá khứ từng nhiều lần phải đối diện với nguy cơ bị xâm hại do nạn trộm cắp cổ vật. Giờ đây, phần lớn khu vực phía Tây của Vườn Chuối phải di dời để phục vụ công tác xây dựng đường vành đai 3.5.
Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, những phát hiện mới tại Vườn Chuối cho chúng ta cơ hội lớn để nghiên cứu về văn hóa, tập tục, hình thái vận động của người xưa. Điều quan trọng lúc này là chúng ta cần có phương án di dời các di tích, di vật khảo cổ. Vườn Chuối không chỉ là di chỉ tiêu biểu của Hà Nội mà đại diện cho văn hóa thời sơ sử Việt Nam nên cần có một công trình tương xứng với di chỉ này.
Đồng quan điểm trên, GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, khó có di tích nào ở Hà Nội chứa đựng giá trị lịch sử văn hóa hấp dẫn hơn Vườn Chuối. Đây là di tích rất hiếm hoi nói lên quá trình dựng nước trên địa bàn Hà Nội, từ tiền sử tới sơ sử và nó có giá trị giáo dục, khai thác phục vụ phát triển kinh tế, du lịch rất lớn. “Rút kinh nghiệm từ khu phía Tây, chúng ta cần sớm quy hoạch khu vực phía Đông Vườn Chuối trở thành công viên khảo cổ”, GS, TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Tiếp thu những ý kiến, đề xuất tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành, đồng chí Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức mong mỏi Vườn Chuối sớm được xếp hạng di tích, từ đó có cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiến tới xây dựng công viên khảo cổ để trở thành biểu tượng văn hóa-du lịch của huyện Hoài Đức”.
Bài và ảnh: Hoa Lư
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch