Làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng khắp miền Tây. Tuy nhiên, những năm gần đây, với những thay đổi do nhu cầu, làng nghề này dần mai một.
Bằng những sáng kiến mới mẻ và tình yêu nghề của mình, ông Nguyễn Văn Tốt (thường gọi Bảy Tốt, 64 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã mang đến một làn gió mới cho làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài, đáp ứng nhu cầu, xu hướng của thị trường gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt) đã mang đến một làn gió mới cho làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài. Ảnh Nguyễn Cường
Làng nghề một thời vang danh
Theo hương tích, làng nghề đóng xuồng ven rạch Bà Đài đã trên trăm năm tuổi, tổ nghề là cụ Phạm Văn Thuông (tục gọi là ông Sáu xuồng cui, sinh năm 1875, mất năm 1945).
Ông Bảy Tốt cũng được coi là thợ đóng thuyền giỏi bậc nhất trong ấp, người đóng con thuyền choán nước 150 tấn, sản phẩm lớn nhất từng xuất xưởng ở rạch Bà Đài. Dù vậy, lão nghệ nhân cũng từng có thời phải bỏ nghề cha ông để làm việc khác kiếm tiền nuôi gia đình.
Những sản phẩm được bán với nhiều mức giá khác nhau, có khi vài trăm ngàn nhưng cũng có khi vài triệu và có thể cao hơn tùy vào chủng loại, kích cỡ. Ảnh Nguyễn Cường
Ông Bảy Tốt cho biết: “Khoảng từ những năm 1970-2000, quanh rạch có 10 nhà thì đến 9 nhà làm nghề đóng thuyền, tiếng cưa tiếng đục nhộn nhịp ngày đêm. Nhưng giờ đây, 10 trại thuyền thì 9 cái bỏ hoang rồi, thợ phải chuyển nghề, làm việc khác”.
Hoài niệm một thời làng nghề đóng thuyền 2 bên bờ nhộn nhịp ngày đêm, phát triển hưng thịnh, ông Bảy Tốt kể, khoảng những năm 2010, khách khắp miền Tây tấp nập đến Bà Đài mua ghe xuồng, các xưởng làm không kịp bán. Làng nghề không chỉ đóng xuồng ghe cỡ nhỏ mà còn đóng nhiều loại ghe trọng tải lớn hàng chục đến trên 100 tấn dùng để chở lúa. Dù khách hàng có đưa ra yêu cầu khó khăn gì chúng tôi cũng quyết chí làm bằng được.
“Còn nhớ năm đó, có một vị khách ở tận Cà Mau lên đặt tôi chiếc ghe trọng tải 150 tấn để trung chuyển hàng hóa. Khi đó, trong rạch Bà Đài, ai nấy cũng ngán ngẫm đơn hàng này. Tuy nhiên, tôi tin là mình sẽ làm được nên mạnh dạn nhận lời vị khách này. Rồi tôi cùng mấy chục anh em làm suốt mấy tháng ròng, cuối cùng sau 3 tháng, chiếc ghe cũng được hạ thủy an toàn.” – ông Bảy Tốt chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ.
Tuy nhiên, đường sá, xe tải dần thay thế ghe bầu, xuồng nhựa áp chế xuồng ba lá. Những năm đầu ế ẩm, chủ các trại ghe vẫn còn vốn liếng, vẫn nuôi hy vọng một ngày có khách trở lại, vì vậy những chiếc ghe nằm bờ vẫn được che chắn, giữ gìn. Nhưng 3 năm, 5 năm, rồi 10 năm vẫn không ai đến hỏi, những chiếc ghe dần bị bỏ mặc gió mưa tàn phá.
Hướng đi mới để gìn giữ làng nghề truyền thống
Trăn trở với nghề đã nuôi sống gia đình, ông Nguyễn Văn Tốt không đành bỏ nghề. Ông nghĩ đủ cách, cuối cùng quyết định chuyển sang làm xuồng, ghe thu nhỏ để phục nhu cầu của người dân, du khách trong và ngoài nước.
Nghĩ là làm năm 2012, ông Bảy lần nữa khởi nghiệp đóng xuồng, nhưng lần này ông không còn đóng xuồng đi sông, ông đóng xuồng mô hình để trưng hoa quả.
Những sản phẩm đã thu hút được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Chia sẻ về cơ duyên đến với đóng ghe, xuồng mi ni, ông Bảy Tốt kể, trong một lần nhớ nghề, ông thử đóng chiếc xuồng cui mi ni để hoài niệm lại nghề cũ nhưng lạ thay, nhiều người bắt đầu quan tâm đến sản phẩm mới của ông rồi có người ngỏ ý đặt hàng.
Đầu tiên, ông đóng đủ một bộ sưu tập tất cả các kiểu xuồng ghe của vùng sông nước Nam Bộ cho một khu du lịch ở huyện Lấp Vò. Nhờ sản phẩm đẹp mắt, lại chứa đầy tâm huyết của người thợ nên khách hàng rất hài lòng. Từ đó, “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm của ông bảy Tốt được nhiều nơi đến đặt hàng.
“Nghề của cha ông, mình bỏ không đành. Không bán được xuồng thật, tôi nghĩ ra việc làm xuồng mô hình, có lẽ cũng là cách để bảo tồn nghề, bảo tồn hình ảnh của những chiếc xuồng để thế hệ sau có thể mường tượng được hình hài miền Tây sông nước những năm tháng đã xa.” – ông Bảy Tốt tâm sự.
Theo ông Bảy Tốt, làm xuồng mô hình khó hơn nhiều, tốn công 5-10 lần làm xuồng thật, đòi hỏi khắt khe từ tay nghề thợ đến chất lượng gỗ nguyên liệu, nên không phải ai cũng làm được. Đến nay, ông đã làm được gần như đầy đủ mô hình các loại ghe xuồng từng bơi trên sông nước Cửu Long, tính ra cũng không có lỗi với cha ông, không để nghề truyền thống biến mất.
Trong xưởng nhỏ của ông Bảy ở cuối con rạch trưng bày đủ mô hình các loại ghe xuồng miền Tây. Du khách ghé qua có cơ hội được thấy ghe Bà Đài, ghe tam bản, ghe bầu, xuồng ba lá, xuồng Cần Thơ, ghe ngo Sóc Trăng… với kích thước bằng 1/10 so với hàng thật.
“Những chiếc xuồng ghe là linh khí gắn liền với ký ức miền Tây sông nước, gắn liền với bước chân mở cõi của cha ông. Ngày nay, nước chỉ còn tràn bờ trong những câu chuyện kể, tôi không muốn những chiếc thuyền cũng dần thành cổ tích.” – ông Bảy nhấn mạnh.
Những năm gần đây, nhờ du lịch phát triển nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ông Bảy Tốt cũng ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Không chỉ dừng lại phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm mà hiện nay nhiều khách hàng cũng đến đặt hàng với các sản phẩm mới như: bồn tắm cho các khu du lịch; xuồng mini dùng thay cho các chậu cắm hoa, trưng bày tại các công trình đường hoa Tết.
Hiện, mỗi sản phẩm của ông có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/chiếc. Sản phẩm hiện không chỉ bán cho khách hàng trong nước mà còn bán cho khách hàng ở nước ngoài.
“Sự đón nhận của mọi người đối với những sản phẩm là động lực giúp tôi tin rằng, chỉ cần mình có đam mê và cố gắng hết mình thì cơ hội sẽ đến. Nếu không còn thời hoàng kim cho xuồng ghe di chuyển dưới nước thì du lịch sẽ là cánh cửa mới giúp xuồng nghe rạch Bà Đài bước lên phố thị”, ông Bảy Tốt chia sẻ.
Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định công nhận nghề đóng xuồng ghe Bà Đài, xã Long Hậu là một trong những làng nghề truyền thống quan trọng trong quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh, nhằm có sự hỗ trợ cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy làng nghề phát triển. Đến tháng 4/2015, làng nghề được Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là cơ hội để người dân giữ gìn và phát triển làng nghề. |
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch