Bằng nhiều cách làm khác nhau, nhiều thế hệ các gia đình dân tộc M’nông tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và các xã Đăk Nhau, Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, huyện Bù Đăng trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa cho buôn làng và quê hương.
Mỗi sản phẩm thổ cẩm không chỉ là vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, suy nghĩ của người M’nông. Các thế hệ người M’nông luôn có ý thức gìn giữ, phát huy và truyền dạy lại nghề dệt cho con cháu. Ở các buôn làng người M’nông, nhiều gia đình và nghệ nhân trẻ tuổi vẫn đang duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của thổ cẩm.
Sau những ngày tất bật với nương rẫy, vào những ngày cuối tuần, hay bất cứ khi nào rảnh, các gia đình người M’nông lại dành thời gian cho dệt thổ cẩm. Bên khung cửi, những người phụ nữ cẩn thận từng động tác đưa thoi, luồn chỉ, kiên trì dệt nên những tấm thổ cẩm mịn màng.
Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước vẫn được bảo tồn, duy trì tới ngày nay. Ảnh: XT.
Các bà, các mẹ tranh thủ thời gian để dệt nên những chiếc váy thổ cẩm mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Hầu hết các sản phẩm dệt đều dùng khung cửi truyền thống, nên một sản phẩm khi được hoàn thành sẽ cần khá nhiều thời gian. Để diệt được một sản phẩm thổ cẩm truyền thông phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu, các chị em phụ nữ phải nâng niu từng sợi chỉ để làm nên những sảm phẩm hoàn thiện.
Đã từ lâu, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là truyền thống bao đời để lại, giữ gìn và tiếp nối mà còn là niềm đam mê, gắn bó như máu thịt của dân tộc M’nông. Một số cao niên trong làng cho biết, với nghề dệt thổ cẩm của người M’nông thì hoa văn của thổ cẩm rất quý giá. Không biết nghề dệt thổ cẩm chính xác có từ bao giờ, chỉ biết rằng qua bao thế hệ, bà dạy lại mẹ, mẹ dạy lại con, truyền đạt lại bởi vì nghề này rất hay, rất đẹp.
Các gia đình M’nông rất coi trọng thổ cẩm truyền thống, xem nó là bảo vật không thể thiếu trong gia đình như của để dành. Dệt thổ cẩm còn là thước đo, đánh giá một người phụ nữ đảm đang, khéo léo và là hành trang quý giá của người con gái mang theo khi về nhà chồng.
Những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông mang đậm truyền thống văn hoá của đồng bào.
Việc bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm không chỉ dừng lại ở sự tâm huyết của cá nhân, chủ thể mà trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực mở ra hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm của người M’nông.
Để khẳng định những giá trị văn hóa tiêu biểu của nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 4/8/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 1838/QĐ- BVHTTDL đưa nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tỉnh Bình Phước (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đắk Nhau (huyện Bù Đăng)) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian qua, các chị em phụ nữ thuộc các khu vực trên của tỉnh Bình Phước cũng tích cực giới thiệu, quảng bá về sản phẩm thổ cẩm của mình đến du khách tham quan. Nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như khăn quàng cổ, váy, khố, áo, chăn đắp… được đặt hàng nhiều hơn, đủ để giúp người dân trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Đây là hướng đi bền vững và hiệu quả trong bối cảnh đầu ra cho mặt hàng thổ cẩm nói chung của các dân tộc thiểu số ở đây ( nhất là những hoa văn, hoạ tiết của dân tộc M’nông để phân biệt trang phục thổ cẩm với các dân tộc khác) còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyễn An
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch