Hồ Phú Ninh mùa nước cạn lộ ra những “thảo nguyên”. Ảnh: Q.T
Lạc bước ở “thảo nguyên”
Sau những cung đường ngoằn ngoèo, lòng hồ Phú Ninh thuộc xã Tam Lãnh hiện ra trong tầm mắt. Có lẽ điều mà ngôi làng nhỏ ven hồ Phú Ninh này gây thương nhớ cho khách vãng lai là tạo ra một cảm giác yên bình và bỗng chốc khiến mình bé nhỏ khi lạc bước nơi “thảo nguyên” ven lòng hồ. Ở đó, nhìn về bốn phía tầm mắt chỉ còn những thảm xanh ngút ngàn của cỏ, của rừng, của nước và mây trời…
Bà Lê Thị Kiều Long (ở thôn An Mỹ), chủ quán ăn Cô Long tiếc rẻ: “Đến Tam Lãnh mùa này thì hơi lở dở. Mùa hè vừa qua thì nhộn nhịp khách khứa đến thăm thú, vui chơi trên đồng cỏ ngắm hoàng hôn lặn khuất bóng núi. Còn độ gần tháng nữa thì cả vùng ven hồ lênh đênh trong mùa nước nổi nhìn cũng rất nên thơ”.
Dù vậy, cảnh vật nơi đây vẫn khiến nhiều người liên tưởng tới bức tranh thủy mặc. Rãnh nước trong vắt rì rầm từ đỉnh núi cắt ngang xóm nhỏ, vườn tược nhà nào xum xuê cây ăn quả. Từ dừa, cam, bưởi, mít, thanh long… xen lẫn những tược cau, lộc vừng. Thi thoảng phía trước thềm sân lại có chân ruộng bậc thang trải dài tưởng như lạc vào một chốn nào đó ở núi rừng Tây Bắc.
Khu vực ven lòng hồ Phú Ninh ở thôn An Mỹ và Phước Bắc, xã Tam Lãnh được định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Q.T
Theo bà Long, từ đầu năm, khi triển khai phát triển du lịch cộng đồng ở đây thì khu vực này bắt đầu đã chộn rộn hơn. Có nhiều vị khách ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi… cũng tìm đến để du ngoạn tại Tam Lãnh; thi thoảng có những nhóm bạn trẻ thuê lều để lưu trú qua đêm, đốt lửa trại, chèo thuyền kayak trên lòng hồ…
Đánh thức du lịch cộng đồng
Khu vực tiếp giáp với hồ Phú Ninh tại thôn Phước Bắc và thôn An Mỹ được nhận định sở hữu môi trường cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hệ sinh thái đa dạng.
Theo chính quyền địa phương, khoảng từ tháng 2 đến tháng 9 (âm lịch), mực nước trong hồ cạn dần tạo ra những bãi bồi quanh co, uốn lượn nối liền giữa hai xóm (xóm Ông Cúc Nhâm và xóm Bà Dinh), ven triền hồ trong khoảng thời gian này là địa điểm lý tưởng để phát triển hoạt động du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Sự – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, để làm du lịch cộng đồng, quan trọng nhất vẫn là chuyển biến từ nhận thức, tư duy của người dân.
Phát triển du lịch cộng đồng mục đích lớn nhất cũng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho cư dân địa phương, từ đó tạo nền tảng bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị bền vững về tiềm năng thiên nhiên, giá trị lịch sử – văn hóa, bảo vệ môi trường để xây dựng các loại hình du lịch chân thực, mang tính đặc trưng của địa phương.
Bình yên những làng mạc ven hồ Phú Ninh. Ảnh: Q.T
“Vừa qua, địa phương đã tổ chức để người dân đi học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở một số điểm đến tại TP. Hội An. Cơ quan chức năng cũng đã phổ biến về định hướng phát triển du lịch cộng đồng Tam Lãnh đến 56 hộ dân liên quan.
Khảo sát và bước đầu hỗ trợ 9 hộ dân có vườn rộng hơn 1.000m2 cải tạo cảnh quan, vườn cây ăn trái để người dân tiếp cận với kỹ năng, cách thức làm du lịch cũng như tạo thêm sức hút cho điểm đến” – ông Sự cho hay.
Theo nhận định từ Sở VHTTDL Quảng Nam, với vị trí nằm tiếp giáp lưu vực hồ Phú Ninh và bao bọc xung quanh bởi các dãy núi đồi và sở hữu hệ sinh thái đa dạng về động thực vật, trong ngắn hạn Tam Lãnh có thể phát triển các hoạt động ngoài trời như: câu cá, chèo thuyền kayak, đi bộ và thám hiểm, cắm trại… Đây là các loại hình phù hợp với xu thế du lịch xanh, du lịch gắn với tài nguyên bản địa, qua đó tạo thêm điểm nhấn mới cho du lịch phía nam của tỉnh.
Phương án phát triển du lịch cộng đồng Tam Lãnh đã được UBND huyện Phú Ninh đề ra từ năm 2023. Để nơi này trở thành điểm đến ấn tượng với nhiều loại hình dịch vụ vẫn là chặng đường dài phía trước. Còn bây giờ, một Tam Lãnh bên lòng hồ Phú Ninh với vẻ đẹp chân quê thì vẫn luôn chào đón du khách bất cứ thời điểm nào…
Khu vực tiếp giáp với hồ Phú Ninh tại thôn Phước Bắc và thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh cách TP. Tam Kỳ khoảng 25km về phía tây nam. Theo phương án phát triển du lịch cộng đồng Tam Lãnh, cơ quan chức năng sẽ đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, vẽ tranh bích họa trên tường nhà, trang bị ghe thúng đưa đón khách tham quan trên hồ; xây dựng điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch… theo thực tế với nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2023 – 2025 hơn 5,6 tỷ đồng.
Quốc Tuấn
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch