Ao Châu mênh mông như một vụng biển lạc vào miền cao giữa bốn bề núi biếc, với gương nước 280 ha điểm xuyết 20 hòn đảo và bán đảo như chuỗi ngọc xanh mướt rừng già, tạo thành 99 lạch nước thông nhau như thể một bàn cờ Tiên tạo hóa vẽ bằng nước biếc. <!—->
Giữa các lạch nước quanh co uốn lượn, lại rải rác cơ man là đảo nhỏ, khiến cảnh trí càng đa dạng. Trên con thuyền nhẹ trôi êm giữa trời mây non nước, khách ngợp mình trong hơi gió mát, cảm thấy tâm hồn như trải ra man mác với gương hồ, an tĩnh và thư thái như hơi gió nhẹ.
Giữa mênh mang thiên nhiên, con thuyền như chiếc lá, sắc nước ngời như gương, lấp lóa bóng mây bóng núi, có cảm giác lạc vào xứ mê cung kỳ ảo của miền cổ tích sâu thăm thẳm.
Cổ tích vô cùng giàu có trên Ðất Tổ thì gợi nghĩ suy, liên tưởng đến vô cùng. Này đây, chín mươi chín mạch nước hồ – biển Ao Châu của miền đất có đền Mẫu Âu Cơ. Xa xanh kia là bóng Núi Hùng với 99 đồi núi tượng hình đàn voi chầu về Ðền Tổ. Thiên nhiên xứ sở được tạo hình như là theo lẽ huyền vi cân bằng vĩnh cửu, để trường tồn và sinh sôi vạn thuở, cho tâm tính cư dân nghìn đời ưa chuộng thanh bình, hòa ái, sánh vai mà cùng nhau phát triển.
Thiên nhiên ban tặng những hòn ngọc quý cảnh quan mỹ lệ, như Ao Châu, mà giờ đây dân cả nước và khách nước ngoài tìm đến để thư thái tâm hồn, làm giàu xúc cảm sau hành trình chiêm bái Ðền và Lăng Tổ, không quên ngược lên vùng cao thắp hương đền Mẫu Âu Cơ.
Chính quyền và nhân dân địa phương đón khách bằng việc điểm tô cảnh trí và sắp đặt các dịch vụ, khởi đầu còn đơn sơ, nhưng chan hòa, mến khách. Những mái ngói miếu đền, những dáng nhà tám mái ẩn khuất dưới tán rừng già, rừng thứ sinh, rừng cọ mới trồng trên các đảo mời gọi du khách ghé thuyền lên thưởng ngoạn. Và những vườn vải chín đỏ thoạt nhìn đã nghe vị ngọt lan tỏa nơi chót lưỡi…
Dân trên đảo mừng rỡ đón khách tận chân mép nước, tiếp đãi chân tình, người già thì kể thêm huyền thoại, cổ tích riêng từng đảo, như cả một kho tàng bí ẩn bao đời dành sẵn cho ngày nay làm quà cho du khách…
Ðấy là Ao Châu của hôm nay, thiên nhiên đã có sức sống hồi sinh, xanh trong trở lại, bằng nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và nhân dân sở tại, sửa chữa sai lầm của cuộc mưu sinh hồ đồ và phát triển thiển cận trên cả một vùng. Bây giờ đã xóa đi dấu vết nhức nhối của nạn phá rừng xóa sạch cả thảm thực vật ven hồ, làm lắng đọng phù sa khiến hồ giảm hẳn độ sâu; của nạn đánh bắt tôm cá ồ ạt, gần như hủy diệt các giống ba ba nước ngọt; của ô nhiễm nước hồ bởi thuốc trừ sâu, phân hóa học từ những đồi bãi ven hồ và từ đồng ruộng các nơi ở đầu nguồn, nhất là từ nhà máy giấy… làm bẩn nước hồ và gây hại các loài thủy tộc…
Gần đây, danh thắng Ao Châu được địa phương nhận thức hết tầm ảnh hưởng của nó đối với đời sống kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái – tiềm năng du lịch, Dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học đầm Ao Châu, dựa vào cộng đồng” đã huy động được sức dân tham gia khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, sau năm năm đổ mồ hôi công sức, Ao Châu đã có thể thu hút trở lại khách thăm.
Và nhiều tuyến đường vào sâu trong lòng hồ đang mở, bến thuyền đón khách cũng đã mở ở khu 6 xã Ấm Hạ, xe du lịch đã có thể đưa khách thăm các đồi vải; cầu Hạ Hòa nối liền quốc lộ 32C và quốc lộ 70 đã được khởi công xây dựng, để sớm nối liền hành trình du ngoạn Ðền Mẫu Âu Cơ – Ao Giời Suối Tiên – hồ Ngòi Vần với Ao Châu.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch