Quả thật, đến Nam Giang, không chỉ nghe truyền thuyết về Bến Giằng, người ta còn có thể nghe nhiều câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Đặc biệt, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú và hùng vĩ của vùng cao Nam Giang, với khung cảnh hoang sơ, những khu rừng nguyên sinh, trùng trùng điệp điệp những ngọn núi cao chót vót, những vực thẳm sâu hun hút, những vách đá cheo leo, hiểm trở, không kém phần ngoạn mục như bức tranh kỳ vĩ làm say hồn du khách. Xuất phát từ Bến Giằng, một bến sông gắn liền với truyền thuyết Huyền Trân công chúa, chỉ mươi phút sau, chiếc xe Toyota đã đưa chúng tôi lên dần, đạt độ cao sáu trăm, rồi bảy trăm mét… Có thể nói, đường hướng tây ngoằn ngoèo, như con rắn trườn dần lên vách núi. Nhiều đoạn vô cùng ngoạn mục: một bên đường dựa vào vách núi, khoét theo vách núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Núi cao, vực sâu, những khu rừng nhấp nhô khi thì bên trái, khi sang bên phải, với các thảm thực vật đa sắc màu, góp phần tạo nên phong cảnh đẹp lạ lùng và cũng thật hiếm có của mảnh đất Nam Giang.<!—->
Dọc hai bên đường, ngay tầm mắt du khách, còn có nhiều loại hoa đẹp, khá nhiều màu, từ đỏ ối đến vàng rực. “Hoa nhiều lắm, tôi cũng không thuộc hết tên…” – Anh A Lăng Vượt, người dân tộc Cơtu, cho biết. Còn anh Phạm Anh Tú, người Kinh, nhưng đã gắn bó với núi rừng Nam Giang mấy chục năm, ngắt đưa tôi mấy đọt rau mềm bên đường, bảo: “Anh biết nó chứ? Rau tàu bay đấy. Những năm chống Mỹ, bộ đội ta nhờ loại rau rừng này”. Tôi nhấm thử, mùi vị hơi nhẩn một chút. Có lẽ nó ngon cũng một phần nhờ “lạ” miệng. Mà, vị “lạ” bao giờ cũng cho ta cảm giác thú vị. Và, càng đi, khung cảnh càng thâm u, núi càng cao, dốc càng đứng. Chiếc xe cứ chồm lên, có đoạn lắc dữ…
Khi lên độ cao chín trăm, rồi một ngàn mét, không khí mát hẳn. Trời nắng chang chang nhưng nhiệt độ không quá hai độ. Đây cũng là lúc chúng tôi đã tiến sát hơn với biên giới Việt – Lào. Đồn biên phòng nhìn ra cửa khẩu Đắc Ốc, vừa được san ủi đất đá, tạo mặt bằng. Để trở thành điểm mua bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp giữa nhân dân hai nước, cần có thời gian và còn nhiều việc phải làm. Tranh thủ những thời khắc hiếm hoi để chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm, trên đường về, anh A Lăng Vượt chỉ một ngọn núi có hình thù khá đặc biệt mà anh gọi là núi Nhọn. Đó cũng là ngọn núi cao nhất ở xã La Dê. Giọng sôi nổi, anh kể: “Đời tui cũng chưa bao giờ đặt chân lên đỉnh núi ấy, anh à. Kể cũng uổng nhưng muốn lên tận đỉnh, chẳng dễ gì. Nó cao lắm. Mấy cụ già làng tui bảo trên đỉnh núi còn có cả sân bay. Nghe nói hồi Nhật qua đây, nó làm sân bay ở trên ấy… Nghe kể chứ có đúng hay không thì hiếm ai biết”. Núi nhọn chót vót, màu xanh thẫm, nổi bật giữa những ngọn núi thấp kề bên, lại có hình dáng giống như chiếc nón lá.
Quá trưa, chúng tôi ghé lại Chà Vàl, cách biên giới khoảng bảy cây số, để nghỉ. “Có tà vạt, một thứ rượu đặc sản của bà con” – anh Phạm Anh Tú thông báo. Lên vùng cao huyện Nam Giang, uống tà vạt thì còn gì thú vị bằng. Tà vạt là thứ nước được lấy từ buồng của cây tà vạt, một loại cây có hình thức giống như cây dừa nhưng to hơn, lá dài hơn, rồi hòa cùng ít vỏ cây chuồn, thành một thứ rượu mà theo anh A Lăng Vượt: “Uống tà vạt không bao giờ đau đầu. Ngày xưa, bà con còn uống… thay cơm kia mà”. Hai mươi lít rượu tà vạt đựng trong một cái can nhựa được đem ra. Kèm theo đó là món thịt bò xào hành tây. Vừa uống, chúng tôi vừa nghe anh Blúp Nghết, người Cơtu, kể giai thoại khá hấp dẫn, rằng: Một năm được mùa; cái rẫy lên xanh tốt. Cây bắp trái to như đầu gối. Cây lúa hạt oằn cả thân. Thấm thoắt, hạt lúa ngả sang màu vàng chóe, trái bắp sắp khô vỏ thì có lũ khỉ lén lút vào tuốt lúa, bẻ bắp để ăn. Cụ già giữ rẫy tiếc của, tiếc công sức mình, giận lũ khỉ, kiên trì rình rập ngày đêm. Ở cạnh rẫy, có cây tà vạt. Trước khi vào bẻ bắp, tuốt lúa, lũ khỉ thường đu mình qua buồng tà vạt để vào rẫy. Tức mình, cụ già liền chặt phứt đi nhằm làm cho chúng không thể qua lối này nữa. Khi vừa chặt xong, có những giọt nước từ trong ấy chảy ra. Tò mò, cụ dùng tay hứng rồi nhấm thử. Chất nước ngòn ngọt, mát lạnh khiến cụ cảm thấy khỏe khoắn lạ lùng. Thế là, cụ tìm đốt lồ ô ra hứng cho kỳ hết. Những ngày sau đó, cụ lặn lội tận rừng sâu tìm các loại vỏ cây hòa vào thứ nước ấy. Cuối cùng, lúc thử vỏ cây chuồn, nước sủi bọt, lên men, có mùi vị không khác gì một loại rượu nhẹ. Và, nhờ sự khám phá tình cờ của cụ, rượu tà vạt dần dần được dân bản ưa chuộng và nhanh chóng trở thành thứ nước giải khát phổ biến giữa chốn núi rừng heo hút trong những ngày hè oi bức.
Một ngày ở Nam Giang, quả thật, đã cho chúng tôi nhiều điều thú vị. Không những được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ diệu, ngoạn mục của miền tây đất Quảng, được tận mắt nhìn thấy cột mốc biên giới của Tổ quốc với nhiều cảm xúc dạt dào…, chúng tôi còn được thưởng thức hương vị tuyệt vời của rượu tà vạt giữa khung cảnh núi rừng, trên độ cao gần nghìn mét của đại ngàn Trường Sơn.
Nam Giang không chỉ hùng vĩ mà còn mang vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa lạ lùng, có sức cuốn hút lạ kỳ. Nếu được đầu tư đúng mức, quảng bá bài bản, có chiều sâu, Nam Giang sẽ là địa điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm rất hấp dẫn với du khách gần xa…
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch