Nghe tên con ruốc thật lạ nhưng với người dân Đông Triều thì rất đỗi thân quen. Nhắc tới ruốc nhiều người dân vùng biển sẽ nhầm tưởng là giống ruốc biển đặc sản (thuộc họ bạch tuộc) món ăn mà nhiều thực khách ưa thích. Thế nhưng đây là sinh vật nhỏ bé hơn nhiều, là loài động vật giáp xác sống ở vùng nước ngọt hay nước lợ.
<!—->
Những người có kinh nghiệm săn ruốc cho biết: Ruốc cũng giống như rươi, thường có vào mùa đông (thường là từ tháng 10 âm lịch năm trước đến hết tháng Giêng), nhưng năm nay do thời tiết thay đổi, rét kéo dài nên đến thời điểm này, thỉnh thoảng người dân vẫn mua được ruốc tươi ở chợ.
Con ruốc có màu nâu đỏ là ruốc ngon nhất; ruốc màu nâu sậm là ruốc già, còn màu nâu hồng nhạt là ruốc non. Ruốc già và ruốc non kém chất lượng hơn. Thời gian con ruốc xuất hiện là lúc nước sông rất trong. Con ruốc được bắt bằng cách đóng những cọc tre, gỗ vào chỗ nước xa bờ rồi đơm đáy. Đáy là cái túi được làm bằng loại vải mỏng, bền và dễ thoát nước. Hai mép đáy có dây buộc vào cọc đóng sẵn ở sông. Con ruốc theo dòng nước trôi vào đáy.
Ruốc được chế biến thành nhiều món ăn. Người dân Đông Triều thường hay nấu ruốc sốt với cà chua, ăn kèm với rau sống. Nguyên liệu để nấu món ăn này gồm: Ruốc đã rửa sạch, cà chua, khế chua, gừng, hành tím, ớt và rau răm. Cách chế biến tương đối đơn giản: Cà chua, khế chua (bỏ hạt) thái hạt lựu nhỏ; gừng, hành tím, ớt, rau răm thái nhỏ. Trộn tất cả các nguyên liệu (trừ rau răm) này với ruốc, cho thêm 2 thìa canh dầu ăn và nêm thêm gia vị. Đun nhỏ lửa đến khi cà chua và khế chín nhừ, thời gian khoảng 20 phút. Trước khi tắt bếp, nếm lại gia vị cho vừa miệng và rắc rau răm. Món ăn này vô cùng thơm ngon ngay từ khi nấu đến khi thưởng thức.
Ruốc sốt cà chua có đầy đủ vị chua, cay dịu ngọt và dậy mùi thơm của con ruốc, của gừng, rau răm; có thể dùng làm nước chấm ăn kèm với rau xà lách hoặc ăn cùng với cơm nóng đều rất ngon./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch