Phở khô còn có tên khác là phở “hai tô”. Khác biệt lớn nhất của món phở này so với phở nước là một phần ăn sẽ gồm… 2 tô. Một là tô phở khô đã trụng kèm chút tóp mỡ, thịt xay, tô còn lại là nước lèo kèm thịt bò, bò viên hoặc thịt gà, tuy nhiên phiên bản phở khô thịt bò có vẻ phổ biến hơn. Dọn kèm đó sẽ là đĩa giá trụng, đĩa húng quế, xà lách và không thể thiếu tương đen.
<!—->
Khi thưởng thức, trước tiên khách sẽ cho tương đen, thêm ớt, chanh vào tô phở rồi trộn đều. Nhưng hãy lưu ý là tương đã có vị cay sẵn nên hãy nêm ớt cẩn thận nhé. Vì phở khô mới trụng khi mang ra cho khách nên sợi dính vào nhau, do đó, bạn phải thêm nước lèo vào tô phở cho sợi tách ra, dễ trộn. Còn việc cho nhiều hay ít nước tất nhiên là phục thuộc vào bạn rồi.
Ăn phở hai tô, người thấy cái dai dai của sợi phở, cái đậm đà của tương đen, cái ngọt của nước lèo. Đặc biệt nước lèo của phở hai tô rất thật vị, dù ăn ở nhà hàng hay quán lề đường, bạn cũng dễ dàng cảm nhận được cái ngọt từ xương, từ thịt. Thế nên dù mức giá trung bình từ 30 đến 40 ngàn đồng cho một phần ăn nhưng chẳng ai kêu đắt.
Phở khô chẳng những là món phải thử của du khách khi đến Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung mà còn là món ăn quen thuộc của người dân bản xứ. Ở phở Hồng – tiệm phở khô nổi tiếng nhất nhì thành phố Pleiku, rất đông người dân trong thành phố ghé đến thưởng thức phở. Với nhiều người, buổi sáng thưởng thức phở khô rồi nhâm nhi ly cafe trước khi bắt đầu ngày mới đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thường ngày.
Với du khách, phở khô như một món ăn ngon, lạ miệng, còn với người bản xứ, phở khô như một phần không thể tách rời. Đến độ, dù hiện nay, phở khô phố núi đã xuất hiện ở nhiều vùng miền, ngay ở Đà Nẵng, Sài Gòn, người ta vẫn có thể thưởng thức được phở khô, nhưng những người con Gia Lai đi xa, vẫn chỉ mong về đến nhà để nếm cho được hương vị quen thuộc ở chính quê nhà./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch