Để có một món gỏi cơ trai ngon thì nguyên liệu chính phải là cơ trai tươi vừa được đánh bắt về. Cơ trai khi lấy ra khỏi vỏ phải chọn con to, mình dày, rắn chắc thì lúc thái sẽ không nát vụn sau đó mang rửa sạch để ráo nước. Tiếp đến là công đoạn thái gỏi, mỗi một lát chừng khoảng 1,5mm theo chiều dọc để lát gỏi đẹp mắt hơn, sau đó cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 10 phút để gỏi có độ giòn và vẫn đảm bảo độ tươi.
Mỗi người có một khẩu vị khác nhau nên nước chấm cũng khác nhau, các bạn có thể pha xì dầu tỏi ớt thêm một chút mù tạt hoặc nếu bạn là người không thích vị hăng nồng của mù tạt thì hãy pha chế hỗn hợp nước mắm gồm tỏi, ớt tươi, một chút riềng, nước mắm, đường, gừng, một chút sả tất cả cho vào cối giã nhuyễn sau đó vắt chanh quậy đều lên là có một bát nước chấm dành cho người không ăn được mù tạt mà vẫn có thể thưởng thức món gỏi theo cách riêng của mình. Ngoài ra, gia vị ăn kèm món gỏi còn có rau thơm và lạc rang bóc vỏ.
Khi ăn, hãy chuẩn bị một bát nước cốt chanh, ăn đến đâu thả gỏi vào trộn đều lên cho chín gỏi rồi vớt ra thưởng thức. Lát gỏi mát lành, vừa ngon, vừa ngọt ăn kèm với rau thơm, vị bùi bùi của lạc rang thêm vị thơm của xì dầu và hăng hăng xộc lên mũi của mù tạt hay vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay của bát nước chấm vừa được giã nhuyễn, tất cả quyện vào nhau, thấm qua đầu lưỡi cái vị thanh mát, ngọt mềm của cơ trai và hỗn hợp nước chấm khiến bạn không thể dừng đũa.
Những người kỹ tính có thể ban đầu rất e ngại với những món gỏi sống nhưng sau khi được thưởng thức thì không một ai quên được món ăn dân dã này. Người dân Cô Tô rất hay đãi khách bằng những món gỏi, bởi ở đây nguyên liệu lúc nào cũng tươi sống, cách chế biến cũng dân dã như chính những người dân nơi đây./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch