Người Cơ Tu gọi con “sóc thường” là xọng bhrôông và “sóc bay” là ta’tăng. Loại này sinh sống và làm tổ trên cây chuyên ăn trái cây nên thường trú ở khu rừng gần nương rẫy của đồng bào. Chúng rất thích ăn chuối, bắp, dứa… Để bắt sóc, người Cơ Tu chế loại bẫy lồng, trong lồng có gài trái chuối vừa chín tới, sóc nhà ta sống và làm tổ trên cây xuống đất thấy mùi chuối thơm hấp dẫn mò vào ăn là dính bẫy.
Con sóc ở vùng núi huyện Đông Giang chuyên ăn đọt tà vạt nên thịt thơm, ngọt, nên cư dân Trường Sơn chế biến các món như: Sóc nấu cháo, sóc nướng, sóc hông, sóc xào, sóc lam… Người Cơ Tu gài bẫy bắt được nhiều sóc, ăn không hết, đồng bào dự trữ bằng cách cạo lông và mổ bụng bỏ bộ lòng, rửa sạch sẽ để ráo và sắp trong cái trẹt nhỏ xông trên giàn bếp thành sóc xông khói.
Người Cơ Tu hay nấu các món ăn bằng cách cho nguyên liệu vào ống nứa tươi, nướng chín. Không chỉ có cơm lam, chim lam hay cá lam mà món sóc lam dầu tươi hay xông khói cũng có hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn. Sóc bắt về, làm sạch lông, mổ bụng lấy hết ruột ra ngoài, rửa sạch để ráo rồi treo nguyên con trên giàn bếp, hoặc sắp trên một cái trẹt để trên giàn bếp cho khô. Đồng bào Cơ Tu có thể chế biến nhiều món ăn từ sóc rừng xông khói như: hầm đu đủ, xào măng, nấu “giả cầy”, nướng trực tiếp trên than hoa, kho mặn dậy mùi thơm đầy quyến rũ… Cái ngon của các món ăn từ sóc rừng không chỉ giữ được hầu như nguyên vẹn hương vị tự nhiên của “núi rừng” mà còn mang đậm tập quán của dân tộc trên dãy Trường Sơn hoang dã.
Thịt sóc xông khói được rửa sạch sẽ, sau đó cho vào nước sôi ngâm trong vài giờ cho mềm rồi mang ra lấy bốt chà xát cho sạch sẽ rồi chặt ra từng miếng nhỏ để ráo ướp với gia vị như bột nêm, tiêu rừng (amót) cho thấm sau đó tùy theo món mà nấu nướng. Đối với món chuối, khử dầu ăn với tỏi cho thơm, bỏ thịt sóc đã ướp vào xào vài lần, đổ thêm ít nước sôi nấu lại cho sôi rồi cho chuối xanh đã xắt hay củ hũ tà vạt vào om tiếp cho đến khi thịt sóc chín mềm thì nêm nếm lại.
Món thịt sóc có vị béo, giòn, ngọt đậm thoang thoảng thơm mùi nếp hương hòa quyện với vị chuối xanh, chát bùi mang lại một hương vị đặc biệt thơm ngon mà chỉ núi rừng Trường Sơn mới có./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch