Lưỡi long là loại cây cùng họ với xương rồng, không có gai. Cây tự sinh sôi, phát triển, phần lá non có màu xanh đọt chuối, người dân hay hái vào để nấu canh. Điều thú vị là lưỡi long hái vào buổi sáng, sẽ có vị chua hơn hái vào buổi chiều.Ngoài món canh chua (có thể nấu với cá, tôm, hoặc thịt), với tài khéo léo chế biến các món ăn, các bà, các mẹ ở Gò Cỏ đã sáng tạo làm nên món mứt lưỡi long.
Công thức chế biến mứt lưỡi long cũng khá đơn giản, chỉ cần cắt lưỡi long thành hình tam giác vừa phải, cho đường vào nồi, rồi bắc lên bếp than rim khoảng chừng 2 tiếng đồng hồ. Khi đường trong nồi đã keo lại, là lúc mứt lưỡi long đã tới, rắc thêm mè rang lên trên, là đã có món mứt lưỡi long. Bà Bùi Thị Sen, ở làng Gò Cỏ cho hay: Mứt lưỡi long chỉ mới được chế biến vào thời gian gần đây, mọi người ăn thấy ngon, nên tiếp tục làm. Vào dịp chợ phiên vừa qua, cùng với các món dân dã của vùng quê như bánh ít củ mì, sương sâm, món mứt lưỡi long được nhiều người mua về dùng thử.
Làng Gò Cỏ cùng với Gò Cát, là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh. Cuộc sống nơi đây vẫn giữ nguyên những nét hoang sơ, chất phác của người miền biển bên bờ sóng vỗ. Nhịp sống yên ả, bình lặng với những nghề truyền thống như đan lưới, đi biển, cùng các món hải sản tươi ngon, hay các món ăn dân dã, nhưng không kém phần hấp dẫn, là những điều rất cuốn hút khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng nơi đây. Trong đó, mứt lưỡi long là món ăn có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mang về.
Nhấm nháp từng miếng mứt giòn dai của lưỡi long có vị chua thanh dịu, cộng với vị ngọt của đường và thơm, béo của mè rang. Tất cả hòa quyện vào nhau mang lại hương vị mới lạ, thú vị, không hề ngán và khác hẳn các loại mứt mà bạn đã từng thưởng thức./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch