Hoa ban là tên đặt theo tiếng Thái, “ban” dịch ra tiếng việt có nghĩa là ngọt. Những ngày tháng 3, trên các sườn núi, hoa ban đua nhau khoe sắc. Nét đẹp của hoa ban được ví như vẻ đẹp của người thiếu nữ Tây Bắc, dịu dàng và đằm thắm. Hoa ban không chỉ tô điểm cho núi rừng mùa xuân thêm tươi đẹp, mà còn được lựa chọn chế biến thành những món ăn mang nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Cứ mỗi độ hoa ban nở, người dân lại lên rừng hoặc tranh thủ sau giờ đi làm nương rẫy để hái về những giỏ hoa ban, với đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Thái, đã chế biến thành các món ăn đặc sắc, như: canh hoa ban nấu thịt băm, măng đắng xào hoa ban… nhưng ngon và lạ hơn cả là nộm hoa ban.
Vào mỗi mùa ban nở, chị Quàng Thị Thỏa, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi (Thành phố) lại làm món nộm hoa ban mang ra chợ Gốc Phượng bán, chị Thỏa chia sẻ: Để làm món nộm hoa ban thơm ngon, phải chọn kỹ nguyên liệu và cầu kỳ trong khâu chế biến. Khi chế biến món nộm, ngoài hoa ban thì phải có măng đắng, rau cải, hoặc ngọn su su, ngọn bí… Gia vị phải có tỏi, ớt, gừng và nhất là không thể thiếu mắc khén – đây là gia vị làm nên hương vị đặc trưng của món nộm hoa ban. Sau khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, là công đoạn chế biến, hoa ban và rau cải phải được luộc riêng và phải để lửa to, mở vung, đảo liên tục để hoa và rau chín đều, vừa chín tới rồi vớt ra để nguội; còn măng đắng thì luộc cả vỏ để giữ cho măng không bị thâm, sau khi chín bóc sạch vỏ rồi thái mỏng theo chiều dọc của măng; sau khi sơ chế, tất cả cho vào trộn đều với các gia vị là có món nộm hoa ban.
Khi thưởng thức nộm hoa ban, thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của gừng và mắc khén, vị bùi ngậy của hoa ban, giòn ngon của rau cải cùng vị đắng của măng. Sau khi được thưởng thức món nộm hoa ban, anh Nguyễn Văn Bách đến từ tỉnh Hưng Yên, nói: Tôi đã từng đến nhiều nơi, nhưng Sơn La là vùng đất đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi, nơi đây không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, nét mộc mạc, giản dị và đằm thắm của người con gái Thái, mà còn có những món ăn đặc trưng của người dân tộc Thái mang hương vị của núi rừng thật khó quên. Trong đó, phải kể đến món nộm hoa ban, lúc đầu ăn có thể cảm nhận được vị đắng, hơi chát, cay cay… nhưng khi nuốt lại thấy có vị ngọt thanh ở cổ, thực sự lạ miệng mà lại rất ngon, chỉ cần một lần nếm thử thì khó có thể quên được.
Các món ăn chế biến từ hoa ban được bà con đồng bào Thái rất ưa chuộng và truyền từ đời này qua đời khác. Không chỉ chế biến cho gia đình thưởng thức, hiện nay các món ăn từ hoa ban còn được đưa vào thực đơn các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn để phục vụ du khách. Bà Lò Thị Điện, chủ nhà hàng Phố Núi, phường Chiềng Cơi (Thành phố), cho biết: Cứ đến mùa hoa ban nở, hầu như ngày nào nhà hàng cũng chế biến món này, trung bình 1kg hoa ban sẽ chế biến được 3 đĩa nộm, bán với giá 30 nghìn đồng/đĩa. Mùa này, ngày nào khách cũng đặt món nộm hoa ban. Khách ăn ai cũng khen ngon, đặc biệt là khách các tỉnh khác.
Hoa ban không chỉ mang lại vẻ đẹp đặc trưng cho vùng Tây Bắc, mà còn trở thành món ăn giản dị nhưng hết sức đặc sắc và độc đáo, hấp dẫn du khách khi đến với Sơn La./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch