Người Cao Lan gọi là bánh chim gâu bởi lớp vỏ bọc ngoài bánh là những chiếc lá dứa rừng được đan thành hình con chim gâu (chim gâu là tên gọi khác của loài chim cu gáy). Họ cho rằng lá dứa rừng là một vị thuốc, do đó gói bánh bằng lá dứa rừng vừa tạo vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh.
Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp trộn với một ít muối cho đậm đà. Tuy nhiên, tùy theo khẩu vị và sở thích, một số gia đình còn trộn thêm đỗ xanh, hay nhuộm màu cho gạo bằng các loại lá cây cơm đỏ, cơm tím hoặc ngâm gạo bằng nước tro. Sau khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu cần thiết, họ khéo léo nhồi vào trong vỏ bánh hình chim gâu rỗng ruột được đan sẵn cho đến khi đầy thì đan kín lại.
Để có chiếc bánh thơm ngon thì công đoạn luộc cũng khá kỳ công. Trong suốt quá trình nấu, lửa phải đều và giữ chiếc bánh luôn ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 tiếng, sau đó vớt ra, để cho ráo nước và cắt đôi bánh ra để thưởng thức.
Bánh chim gâu gắn với truyền thuyết về tình mẫu tử thiêng liêng của chim gâu mẹ với chim con. Vì vậy, người Cao Lan gói bánh chim gâu còn muốn gửi gắm thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả và tình thương yêu của những người thân trong gia đình đối với nhau.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch