Cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, cùng họ với khoai mỡ, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá. Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét. Lớp vỏ mỏng bên ngoài màu xám nâu, xung quanh tua ra những rễ mành, dày theo thân củ như lông bám…
Đồng bào M’nông ưa thích luộc củ mài chín, ăn dẻo ngon
Củ mài nhiều và ngon nhất vào khoảng thời gian trước và sau tết âm lịch, khi dây củ mài bắt đầu đổ lá và khô héo. Thời điểm này, củ mài lớn đẫy, cho nhiều tinh bột và ngon nhất; có củ to bằng bắp tay người lớn, dài đến cả gần 2m. Cũng chính vì củ mài ăn sâu trong lòng đất nên người đi đào phải có kỹ thuật và tốn nhiều công sức, đào hố thật lớn, thật sâu mới thu được một củ mài nguyên vẹn.
Khi tìm củ, người M’nông thường chọn những dây mài bị đứt gãy, chỉ còn mắc mấy cái lá ở trên ngọn để đào củ. Khi ấy, củ mài đã chín, to và nhiều tinh bột. Củ mài có thể ăn sống hoặc chế biến bằng cách nướng, luộc, nấu canh… Củ mài bên ngoài xù xì, bên trong thịt màu trắng ngà. Khi luộc củ chín thì thơm dẻo như xôi.
Đồng bào đào củ mài về cạo sạch vỏ dùng độn cơm để ăn như các loại khoai. Sau này, khi đời sống có đầy đủ hơn, đồng bào thường lấy củ mài được rửa sạch, cạo vỏ đem nấu canh xương. Vị thơm, bở tơi của củ mài lẫn với vị ngọt đậm từ xương khiến mâm cơm đơn giản chỉ có canh củ mài mà ăn vẫn ngon, không sợ thiếu chất, lại tốt cho tiêu hóa.
Củ mài trên mâm cơm truyền thống của đồng bào bản địa tỉnh Đắk Nông
Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vô cùng nghèo khó, củ mài là nguồn lương thực chính nuôi chiến sĩ cũng như nhiều gia đình đồng bào M’nông ở Đắk Nông. Chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào và lợi ích sức khỏe, củ mài gắn bó trong đời sống người M’nông.
Ngày nay, đời sống có nhiều thay đổi, đồng bào các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh không còn thiếu đói. Thế nhưng, củ mài đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người, là món ăn ngon núi rừng ban tặng. Hình ảnh củ mài trắng ngà khiến mâm cơm truyền thống dịp lễ tết của người M’nông thêm đủ đầy hơn…
Bài, ảnh: Nguyễn Nam
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch