Bánh coóng phù Cao Bằng nổi tiếng thơm ngon bởi được làm từ những nguyên liệu sẵn có của địa phương với cách chế biến khá đơn giản.
Để làm ra những viên coóng phù ngon, loại gạo được chọn thường là nếp hương hoặc nếp Pì Pết dẻo, thơm, trộn thêm một ít gạo tẻ. Sau đó, gạo được rửa sạch, ngâm nước khoảng 3 giờ rồi xay thành bột, cho bột vào túi vải để lọc cho ráo nước. Đem bột đã ráo ra nhào đến khi dẻo và nặn thành những hình tròn nhỏ đều nhau. Thả những viên bánh đã được nặn tròn vào nồi nước đang sôi cho đến khi bánh nổi lên thì nhanh tay vớt ra nhúng vào bát nước sôi để nguội. Việc nhúng nước sẽ làm cho những viên bánh căng tròn và không bị dính vào nhau. Tiếp đó, bánh được chia đều ra bát rồi chan thêm nước đường nóng.
Phần nước chan vào bánh được nấu từ đường phên Phục Hòa bào nhỏ hòa với nước (hoặc có thể dùng đường kính), cho thêm nhánh gừng đập dập; sau đó, đun sôi trên lửa liu riu đến khi nước đường sánh vàng có vị ngọt thơm vừa phải để khi chan, nước và bánh mới hòa quyện vào nhau. Khi ăn, người ta rắc thêm một chút lạc rang hoặc vừng lên bát coóng phù trắng ngần để làm tăng vị thơm ngon của món ăn. Ngoài màu trắng của viên bánh truyền thống, nhiều gia đình còn trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với nước lá cẩm tím, nước lá dứa… để tạo thêm nhiều màu sắc và hương vị cho bánh.
Vào ngày Đông chí, nhiều gia đình ở Cao Bằng còn dùng bánh coóng phù dâng lên bàn thờ để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên.
Trong tiết trời lạnh buốt của miền núi những ngày này, được ngồi quanh bếp lửa và cầm trên tay bát coóng phù nóng hổi, hít hà hương thơm và thưởng thức sự hòa quyện tuyệt vời giữa vị ngọt của đường, vị cay của gừng và vị mềm dẻo của bánh sẽ làm xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, khiến du khách nhớ mãi về món bánh đặc biệt của Cao Bằng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch