Rau rừng thường dùng để gọi chung những loại rau tự mọc ở trong rừng, rẫy, hay bò lan trên bờ suối, hốc cây, thành đám rộng dưới những tán cây râm mát. Ở Đắk Lắk có rất nhiều loại rau rừng, với những cái tên dân dã như rau dớn, lá bép, cà đắng, măng le… mang hương vị ngon ngọt, mát lành, đọng lại dư vị khó quên cho ai đã từng một lần thưởng thức. Thường thì mùa nào thức nấy, nhưng vào mùa mưa, khoảng tháng 5 đến tháng 10 dương lịch thì các loại rau rừng mọc rộ và tươi non hơn.
Lá bép (bìa phải) được người dân hái về bày bán cùng các loại rau rừng khác.
Bà H’Rai Ktla (buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) kể rằng, trước đây, cứ vào mùa mưa là bà con trong buôn làng lại kéo nhau vào rừng, hay đi ven suối để kiếm rau rừng. Rau hái về nhiều ăn không hết lại đem ra phố bán hoặc trao đổi hàng hóa. Nhờ đó, rau rừng dần dần được nhiều người ở phố thị biết đến và ưa chuộng. Bây giờ, rừng đã xa, rẫy cũng vắng, muốn ăn những loại rau này không phải có sẵn ngay, nên ở nhiều nhà hàng rau rừng bỗng trở thành đặc sản…
Rau rừng được ưa chuộng bởi hương vị lạ, thanh mát, dễ ăn, dễ kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác. Đơn cử như lá bép, một loại rau rừng khá quen thuộc, khi nấu chín có mùi vị đặc trưng, ngọt thanh. Lá phát triển trong môi trường tự nhiên, hoang dã, không chịu sự tác động của con người như bón phân, xịt thuốc, cho hái lá quanh năm, nhưng nhiều và ngon nhất là vào mùa mưa. Từ lá bép, mỗi dân tộc sẽ có một cách chế biến riêng, thông dụng nhất vẫn là dùng phần ngọn và lá non nấu với thực phẩm khác như cá tươi, cá khô, tôm, cua, thịt gà… Loại lá này còn là nguyên liệu không thể thiếu trong món canh thụt truyền thống của người M’nông. Dù được chế biến cách nào đi chăng nữa, lá bép vẫn giữ hương vị ngọt, thơm đặc trưng. Hiện nhiều nhà hàng, quán ăn đã chế biến lá bép thành nhiều món ăn ngon khi kết hợp với các thực phẩm khác như: cá hộp, thịt hộp… mang đến cho nó nhiều hương vị mới mẻ độc đáo.
Ngoài là nguyên liệu chính cho các món canh, xào, nhiều loại rau rừng còn là một thứ gia vị không thể thiếu trong món ăn truyền thống của người dân Tây Nguyên như lá yao, lá é, cỏ thơm… Những loại lá này trước đây cũng mọc ở rừng, được người dân tộc thiểu số thường xuyên sử dụng để nêm nếm vào thức ăn, tạo ra những hương vị đặc biệt.
Món canh bột lá yao của người Êđê.
Đơn cử như loại lá có hình thù tương tự như lá bép, bề mặt trơn nhẵn, vị ngọt ngọt, mùi thơm đặc biệt, người Êđê gọi là lá yao, người M’nông gọi là lá r’nhao, dùng nêm nếm thức ăn thay bột ngọt. Món canh bột của người Êđê nhất định phải dùng lá yao. Lá được giã nhuyễn cùng với gạo rồi nấu cùng nhiều nguyên liệu như thịt bò, xương heo, cây môn thục, lõi cây chuối non, ớt, củ nén… để tạo nên món ăn thơm ngon. Bên cạnh đó, lá é có mùi hương nồng thường được đồng bào Tây Nguyên sử dụng làm gia vị để ướp thịt, nêm món cà đắng, canh thụt để món ăn có hương vị đậm đà hơn.
Cho dù là nguyên liệu chính của các món ăn hay chỉ là gia vị điểm qua, những loại rau rừng này đã trở thành một phần gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Tây Nguyên. Cộng với sự giao thoa văn hóa và nhu cầu thưởng thức ẩm thực ngày càng tăng, những mớ rau rừng đơn giản đã trở thành những món ăn có sức hấp dẫn với mọi người. Đối với du khách đến với Đắk Lắk, đó sẽ là những trải nghiệm khó quên./.
Mai Sao
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch