Lâu ngày gặp nhau, Dương gọi thêm mấy người bạn cùng quê Quảng Bình đang sinh sống hoặc công tác ở TP. Buôn Ma Thuột đến chơi cho vui, chỗ chơi thì do chính Dương chọn.
Nơi Dương chọn phải đi vòng vèo khá xa quốc lộ, quanh quẹo trong mấy khu dân cư nghe rất phiền. Vậy nhưng vào đến nơi thì ai cũng ồ lên thích thú. Phần vì ở đó là vườn cây có mít, bơ, xoài, ổi rất mát, lại có cả một khúc suối chảy qua; phần quan trọng hơn là quán bình dân nhưng sạch sẽ, đặc biệt món ăn thì ngay cả số anh em đang sống ở TP. Buôn Ma Thuột cũng khen nức nở.
Bữa ấy đúng là lần đầu tôi biết trái cà đắng từ cái món mà Dương gọi là “hương biển giữa rừng”. Có gì đâu, nó là món gỏi khô cá cơm. Khô cá cơm thì xứ biển nào cũng có, nhưng lên đây nó thực sự là món ngon khi được làm gỏi cùng nguyên liệu là cà đắng – loại cà mà trái của nó thoạt trông như cà pháo nhưng màu sắc thì khác, xanh pha sọc trắng chứ không tím, có gai và đặc biệt vị đắng nhẫn đầu lưỡi, quá hợp với vị tanh nồng và cảm giác giòn rụm của khô cá cơm đưa đẩy với nồng cay của ớt xanh, chút hương thơm của ngò gai.
Cái thứ cà đắng này thế mà hay, vì dễ chế biến được thành nhiều món ăn khác nhau như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng. Mà không cần phải nấu chín làm gì, cứ giã nát cà rồi cho thêm gia vị như muối, ớt, bột ngọt, củ nén… cũng đã là món ăn thú vị vô cùng, dân dã mà đưa cơm ra phết, đủ làm xiêu lòng thực khách.
Những món ăn đặc sản của người Tây Nguyên được giới thiệu trong Hội thi văn hóa ẩm thực Đắk Lắk năm 2018. Ảnh: Hữu Hùng
Sau rất nhiều đợt đi lại với Tây Nguyên, tôi chợt nhận ra rằng chính sự phong phú về sản vật và đa dạng về sắc tộc đã tạo ra một văn hóa ẩm thực Tây Nguyên với rất nhiều vốn quý. Và như thế, khi nhớ về Tây Nguyên, tôi không chỉ nhớ về núi rừng hùng vĩ, về văn hóa cồng chiêng… mà còn phải nhớ cả về chuyện ăn.
Chuyện đơn giản là ăn thịt gà thì hẳn khó thưởng thức được món gà ở đâu cho ngon bằng gà nướng Bản Đôn (huyện Buôn Đôn). Cái món ăn dân dã gốc gác của người dân tộc thiểu số tại chỗ ấy không rõ tự bao giờ đã trở thành món đặc sản mà hầu như du khách nào khi đến Bản Đôn cũng tìm cơ hội để thưởng thức.
Mà nhé, những con gà đem nướng phục vụ du khách ấy hóa ra không phải đơn giản cứ ra chợ, dù là các chợ ở chính huyện Buôn Đôn, là đã chắc chắn mua được. Bởi người dân Bản Đôn đã rất công phu từ khi chọn giống gà để nuôi. Gà sẽ được thả rông để ăn cỏ non, côn trùng và lúa, bắp trên rẫy. Gà đem nướng là thứ mỗi con chỉ chừng hơn một ký, tức phải là loại mới lớn. Gà làm xong thì để nguyên con, ướp muối ớt, nước sả, thêm chút mật ong rừng. Gà nướng trên than hồng vừa chín tới, mỡ còn líu ríu thì cứ thế xuýt xoa xé phay chấm muối ớt hoặc muối sả. Phải là muối hạt nhé, ớt thì phải là thứ ớt rừng xanh.
Nhiều món ăn nữa của Tây Nguyên mà tôi đoan chắc chỉ ăn một lần thì nhiều người đã nhớ. Tỉ như món cá bống thác kho riềng là món luôn có sẵn trong thực đơn của nhiều nhà hàng cao cấp ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Cá bống thì sông, suối nước ta đâu cũng có. Nhưng cá bống Tây Nguyên ăn vào là biết ngay, rất khác, e là nhờ cá này sống ngay trong những dòng thác đổ. Cả mớ cá bống tươi được đầu bếp xả sạch nhớt, ướp muối cho cứng. Chảo nóng cho vào ít dầu ăn đun sôi, đổ cá bống vào chiên vàng, sau đấy mới thêm riềng giã nhỏ cùng mắm muối và gia vị. Bữa cơm trưa chỉ cần món cá bống thác kho riềng này với tô canh rau rừng thì muôn phần khoái khẩu.
Tôi lại mong giá mà mỗi năm Tây Nguyên có một dịp mở Lễ hội ẩm thực Tây Nguyên, kiểu như Hà Giang có lễ hội hoa tam giác mạch, Huế có festival, Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa… Cứ đúng món ăn Tây Nguyên mà làm thôi thì đã phong phú lắm rồi!
Lương Duy Cường
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch