Ở làng Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) của bà ngoại tôi, vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch, các cụ, các mẹ đều làm bánh trôi, bánh chay. Tôi vẫn nhớ, bà tôi vo gạo nếp có trộn ít gạo tẻ, ngâm rồi mang đi xay nhờ những nhà có cối đá trong làng. Bà bảo, quà từ hạt gạo luôn mang đến sự bình yên, no đủ, ấm êm và gọi ngày Tết này với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này vì nhiều người vẫn nhầm Tết bánh trôi, bánh chay là “Tết Hàn thực”. PGS.TS dân tộc học Bùi Xuân Đính khẳng định, Tết bánh trôi, bánh chay ở Việt Nam không liên quan gì đến nhân vật Giới Tử Thôi thời Chiến Quốc ở Trung Quốc và hoàn toàn không giống Tết Hàn thực của Trung Quốc cả về thời điểm tiến hành, cách làm bánh và đối tượng dâng cúng.
Có ý kiến cho rằng, tục làm hai thứ bánh này của người Việt vào tháng Ba âm lịch là để nhắc nhớ về ngày Giỗ Tổ. Những viên bánh trôi “vừa trắng lại vừa tròn” gợi nhớ đến sự tích “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Chính vì vậy người Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên.
Theo PGS.TS dân tộc học Bùi Xuân Đính, cũng như các loại bánh truyền thống khác (bánh chưng, bánh dầy…), bánh trôi, bánh chay được làm từ bột gạo nếp thơm thể hiện rõ nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt và mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam.
Ngày bé, tôi hay ngồi xem bà ngoại làm bánh. Bột nếp xay về bà cho vào một chiếc túi vải thô treo qua đêm cho ráo nước rồi dỡ ra một chiếc mâm sạch, nhào lại cho nhuyễn. Nhân bánh trôi bà dùng mật mía thái hạt lựu. Nhân bánh chay bà làm từ đỗ xanh, đãi hết vỏ, cho vào chõ hấp chín tơi, đem giã mịn rồi xào với đường.
Bánh trôi làm xong, bà nhẹ tay lần lượt thả từng viên bánh vào nồi nước đang sôi, chờ bánh chín rồi vớt ra ngâm ngay vào nước lạnh. Khi bày bánh lên đĩa, bà chấm thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm trên mặt bánh. Rồi bà chan vào bát bánh chay một chút nước đường quấy với bột sắn dây ướp hoa bưởi và rắc thêm dăm hạt đỗ xanh thổi chín nhưng vẫn nguyên hình hoa cau.
Bánh trôi, bánh chay của bà làm mộc mạc, thuần khiết, không trang trí cầu kỳ như bây giờ nhưng ngồi gần, ngồi xa đều thấy thơm mùi gạo, mùi vừng rang chín già và mùi hương hoa bưởi. Mùi thơm ấy còn mãi trong ký ức tôi. Để đến bây giờ, mỗi lần thoáng thấy mùi hương ấy, là tôi lại như được trở về thơ ấu…
Rồi bà kể, ngay cạnh làng của bà, làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ), người bên ấy có tục ăn Tết bánh trôi, bánh chay chậm hơn 3 ngày. Một số làng khác của Hà Nội như làng Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng Mê Linh (huyện Mê Linh)… cũng có tục tương tự để tưởng nhớ Hai Bà Trưng. Tương truyền, trên đường rút quân, vào ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch, Hai Bà Trưng đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình tự vẫn để tránh sa vào tay giặc. Để thể hiện lòng thành kính đối với Hai Bà, tại các làng này, ngay từ đầu tháng Ba âm lịch, bánh trôi là lễ vật không thể thiếu được trong các kỳ lễ ở đền nhưng không một gia đình nào làm và ăn bánh trôi trước ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch.
Thu Hằng – Ảnh: Phương Hải
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch