Nếu được một lần thưởng thức món cá nướng trên bếp than hồng chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đậm đà da diết của món ăn bình dị này. Vì sinh sống ở sông suối, ruộng đồng nên cá có vị thơm tự nhiên, ngọt thịt không như cá được nuôi thả trong ao hồ. Cá nướng ngon bởi chúng được bắt trực tiếp lên, sau khi sơ chế sẽ được nẹp vào những thanh tre vót nhọn nướng trên than hồng đỏ lửa. Cũng có đôi khi cá được bọc vào lá chuối nướng hoặc vùi vào tro cho thịt chín từ từ. Chính vì vậy mà thịt cá rất ngọt, cho hương vị thơm lừng, da cá chín vàng đẹp mắt hấp dẫn người dùng. Vì không cần tẩm ướp trước khi nướng nên lúc thưởng thức cá sẽ chấm kèm với muối ớt hay muối lá é, muối kiến vàng, là những thức chấm đặc trưng vùng cao nguyên với vị mặn mà rất thơm ngon, hấp dẫn.
Bánh tráng cá cơm, một đặc sản ở làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 (huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Duyên
Anh Siu Túy (làng Pleiku Roh, TP. Pleiku) chia sẻ: “Cá nướng được chế biến rất đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi, là món ăn không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân bản địa vùng cao. Với tập quán canh tác nương rẫy từ sớm tinh mơ đến chiều tối, vì vậy người dân thường mang theo cơm, thức ăn để dùng vào bữa trưa và thỉnh thoảng cá nướng là món ăn được bà con đánh bắt và chế biến ngay tại chỗ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Mùa mưa Gia Lai là thời điểm cá sinh sôi nảy nở, chủ yếu là cá diếc, cá trê, cá trắng, cá rô, cá bống… giúp người dân cải thiện bữa ăn và tăng thêm thu nhập”. Đây cũng là món ăn ngon, nhẹ, không ngán, thích hợp cho những cuộc picnic, cắm trại hay những hành trình trải nghiệm về với buôn làng vùng cao. Ngày nay, cá nướng không chỉ là món ăn bình dân mà rất được ưa chuộng, có hẳn trong thực đơn phục vụ nhu cầu ẩm thực ngày càng cao của thực khách ở một số nhà hàng tại phố núi Pleiku.
Người dân sống ở vùng đất có dòng sông Sê San chảy qua được thiên nhiên ban tặng cho loại cá cơm đặc trưng đã tạo nên thương hiệu về một món ăn đặc sản. Anh Nguyễn Văn Triều-cư dân làng chài và cũng là người lái thuyền đưa du khách tham quan lòng hồ Sê San-chia sẻ: “Thời điểm này đang vào mùa cá cơm sông sinh sôi. Vì vậy, cư dân nơi đây thu hoạch được rất nhiều. Cá cơm sông có chiều dài khoảng 3-4 cm, thân mình trắng trong, phần bụng trắng đục như hạt cơm. Ngay khi đánh bắt lên, cá cơm được rửa sạch hết nhớt rồi đem phơi ngay dưới nắng để cất giữ được lâu. Vì vậy, các món ăn phổ biến từ cá cơm sông thường được chế biến từ món cá khô. Vào mùa mưa, cá nhiều nhưng không phơi được, chúng tôi sẽ ủ cá để cho ra nước mắm cá cơm nguyên chất thơm ngon, đậm vị và bán ra thị trường với giá 80.000 đồng/lít”. Anh Triều cho biết, trong tour tham quan lòng hồ Sê San và thác Mơ, du khách đều được quay lại bến tàu và thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá cơm khô, ai nấy đều thích thú và mua về làm quà cho bạn bè, người thân.
Cá cơm khô sông Sê San có thể biến tấu thành nhiều món ăn như: cá khô chiên vàng trộn với xoài xanh và các loại rau thơm cho ra món gỏi chua ngọt đậm đà hay món cá cơm khô vàng rụm thêm gia vị chua, cay, mặn, ngọt quyện hòa là món ăn rất đưa cơm, nhất là vào những ngày mưa lạnh. Chị Hà Thị Diễm Bé-vợ anh Triều-phấn khởi: “Đặc biệt, món bánh tráng cá cơm sông Sê San gần đây được thực khách rất ưa thích và mua làm quà. Ngoài bán lẻ, chúng tôi bỏ sỉ khá nhiều cho thị trường khách ngoài Pleiku, Kon Tum, Huế, TP. Hồ Chí Minh… Cá sau khi sơ chế sẽ được tẩm ướp gia vị cho thấm rồi rưới đều lên bánh tráng và đem đi phơi khô, được bán với giá 5.000 đồng/bánh, còn cá cơm khô thì 110.000 đồng/kg”. Chị Bé cho biết, trước kia, cư dân làng chài chưa biết làm món bánh tráng cá cơm. Có một lần, người họ hàng trong gia đình thử làm món tép Biển Hồ tẩm ướp sau đó trải đều lên chiếc bánh tráng rồi mang đi phơi khô, ăn rất ngon. Từ đó, chị nghĩ ra ý tưởng món cá cơm cũng có thể chế biến tương tự như vậy. Thế là món bánh tráng cá cơm được biến tấu ra đời.
Là loài cá sạch, không qua tẩm ướp, không dùng chất bảo quản, dễ chế biến nên cá cơm khô sông Sê San ngày càng được người tiêu dùng khắp nơi lựa chọn. Ngoài cá cơm, người dân nơi đây còn đánh bắt được nhiều loại cá khác như: cá kiềm, cá rô đá, cá lóc… cũng được phơi khô bán ra thị trường. Sông Sê San còn nuôi dưỡng nhiều loài cá đặc sản như: cá lăng, anh vũ, sọc dưa… được chế biến thành nhiều món ngon dành tặng thực khách phương xa.
Cá niên là loại cá có nhiều ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Tuy phổ biến nhưng ở mỗi vùng cá lại cho hương vị khác nhau bởi sự biến tấu của người chế biến. Tại Gia Lai, cá niên có nhiều nhất ở khu vực ngay trên đỉnh thác 50 (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang). Trong một lần đi công tác cùng đoàn khảo sát thác 50 cách đây khá lâu, chúng tôi được các anh kiểm lâm chiêu đãi món cá niên nướng và cá niên nấu chua kèm với rau rừng được bắt và chế biến dưới đỉnh thác. Lần đầu được thưởng thức món cá lạ miệng này khiến chúng tôi mãi không quên được hương vị ngọt, thanh của nó. Loài cá này thường sống theo bầy đàn, tập trung nhiều ở những vùng nước sâu dọc các con sông suối đầu nguồn, gần thác nước.
Cá niên có màu ánh bạc, phần vây pha chút màu vàng nhạt, cá thường chỉ to từ 2 đến 3 ngón tay, dài gần bằng gang tay, là loài cá thân dẹt. Thịt cá niên trắng, béo, thơm, ngọt, không tanh, nhiều chất dinh dưỡng, xương rất cứng, có nhiều xương hom. Đặc biệt, ruột cá niên rất đắng nhưng được thực khách ưa thích lựa chọn bởi họ cho rằng cá niên là loài chỉ ăn rong rêu bám trên các tảng đá nên là loại cá sạch, rất lành và có lợi cho sức khỏe.
Cá niên có thể chế biến ra nhiều món như chiên giòn, làm gỏi, hấp, nấu nghệ, kho… nhưng đặc trưng và hấp dẫn nhất phải kể đến là món cá niên nướng mà không cần qua tẩm ướp cho ra hương vị béo, bùi, dai của thịt, giòn và ngọt của xương và vị đắng nhân nhẩn của mật, bộ ruột của cá khi ăn được chấm kèm với muối ớt cho thêm phần đậm vị. Cá niên là một loại đặc sản được dân sành ăn săn tìm thưởng thức.
Võ Thanh Thảo
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch