Đồng ruộng quê tôi lúc bấy giờ nhiều cua cá lắm, nhất là cá rô rồi cá tràu, cá diếc. Còn cua đồng thì khỏi phải nói. Hễ xách oi (dụng cụ đan bằng tre nứa, hình lọ dùng để đựng cua, cá) đi một vòng quanh bờ ruộng, chịu khó thò tay vào hang cua là đã có một mớ cua đủ bữa canh cho cả nhà gần chục miệng ăn.
Sau một đợt hanh khô, những chân ruộng cạn nước, chỉ còn đọng lại vài vũng ở những góc thấp. Điều kỳ lạ là ở những vũng nước chỉ to bằng cái nong phơi lúa ấy lại có cá.
Những con cá rô mập tròn, phơi cái bụng vàng hươm bởi suốt mấy tháng trời chén đẫy hoa lúa. Bữa cơm hôm ấy, cả nhà thưởng thức món ăn đậm đà hương vị quê nhà. Cá rô đồng kho với nghệ tươi giã nhỏ và lá nghệ thái chỉ cùng với thứ nước chấm đã nổi tiếng tự bao đời nay là tương Nam Đàn quê tôi, làm nên món ăn dân dã, được gọi là đặc sản. Cá đồng kho nghệ với tương, dường như đấy là cái duyên của tạo hóa, duyên của đất trời một vùng quê để làm nên món ăn mà ai đã nếm qua thì không thể quên được cái mùi vị độc đáo của nó.
Cá rô đồng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Internet
Sau mùa thu hoạch, đồng ruộng được cày vỡ để phơi đất chuẩn bị cho mùa sau. “Tháng Ba cày vỡ ruộng ra”, những luống cày thẳng tắp, lật úp đất phơi nắng, chỉ có những con giun, con dế là còn trú mình được trong những hốc đất đã khô rang. Vậy mà chẳng hiểu sao, sau một trận mưa rào đầu tiên, nước ngập vai cày bỗng thấy những đàn cá li ti bơi lội tung tăng giữa hai rãnh cày lật vai ngược chiều nhau. Những con cá bé bằng hạt đậu ấy lớn rất nhanh, chỉ mấy ngày sau đã thấy rõ hình hài của những chú rô con to bằng cái nốt sần trên thân cỏ gà.
Không chỉ tự nhiên sinh ra như từ trên trời rơi xuống trên ruộng đồng sau mỗi đợt mưa rào, cá rô có lẽ còn đáng được xếp vào kỷ lục Guinness về khả năng vượt “vũ môn” của loài cá.
Quê tôi nằm bên tả ngạn sông Lam. Làng xóm ngăn cách với sông mẹ bởi con đê Tả Lam sừng sững. Phía ngoài bãi có rất nhiều bàu, vụng. Đợt hạn hán kéo dài khiến cho những cái ao làng sâu lút người ấy cạn nước, lũ trẻ chúng tôi có thể lội từ bờ bên này sang bờ bên kia mỗi trưa tắm vụng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra sau một trận mưa lớn mà cho đến bây giờ tôi vẫn không tin nổi khi chính mình chứng kiến cảnh tượng có một không hai ấy.
Sáng sớm tinh mơ hôm ấy, người lớn cũng như trẻ con vác đơm đó ra ngoài bàu để kiếm cá. Trên triền dốc đê quen thuộc phía bãi sông, ai nấy trố mắt khi bắt gặp mấy chú rô xanh xám to bằng bàn tay, đang lật nghiêng mình liên tục để cố trườn lên mặt đê…
Năm tháng trôi qua, những mẩu chuyện trên chỉ còn là ký ức xa lắc của một thời. Sau này, mỗi lần về quê, tôi vẫn dành thời gian đi thăm đồng, nơi đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ. Vẫn mùi của đất, của lúa, của cỏ nhưng sao bây giờ bỗng thấy thiêu thiếu một cái gì. Bước chân tôi lặng lẽ trên bờ ruộng được xắn tỉa gọn gàng, không còn cảnh tượng như xưa, cỏ mọc um tùm, những con cào cào, châu chấu bay túa lên, những con nhái bé tí sợ sệt vội vàng nhảy xuống nước khi thấy động bước chân người. Và mặt ruộng trong veo, chẳng thấy bóng dáng một sinh vật nào. Ừ, làm sao còn cá, còn châu chấu, cào cào, ếch nhái khi mà các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan quanh năm?
Nghĩ đến điều đó mà thấy lòng nao nao buồn. Chỉ còn biết giữ lại cho riêng mình chút kỷ niệm của một thời thơ ấu. Ôi, cá rô đồng! Mỗi lần nghĩ đến là mỗi lần thấy phảng phất cái hương vị quen thuộc của quê hương xứ sở.
Nguyễn Duy Xuân
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch