Hà Giang được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn với nhiều cảnh đẹp, hùng vĩ của những cung đường đèo hay những thửa ruộng bậc thang. Bên cạnh đó, Hà Giang còn thu hút khách du lịch bằng nhiều món ăn ngon, đặc sản như thắng cố, thắng dền, bánh tam giác mạch,… Trong số các món ngon, phải kể đến đặc sản có tên rất lạ – Bánh Đá.
Ảnh: Beecost.vn
Bánh Đá có hình dạng thuôn dài, màu trắng tinh như gạo. Trước đây, bà con vùng cao chưa có điện hay tủ lạnh thì bánh đá được “vứt” dưới các con suối chính là cách mà bà con dùng để giữ gìn lương thực và thưởng thức sau những buổi đồng áng mệt nhọc.
Ảnh: Cao Nguyên Đá Food
Cách làm bánh đá
Công đoạn chọn gạo là quan trọng nhất bởi chất lượng món bánh đá phụ thuộc vào việc bạn chọn loại gạo nào. Theo bà con vùng rẻo cao, gạo thường dùng để làm bánh phải là loại ngon, kém lắm là gạo Bắc Hương trộn cùng gạo nếp. Tuy công đoạn làm bánh đá khá cầu kỳ nhưng hầu như gia đình nào cũng làm sau mỗi mùa gặt để tích trữ. Bánh đá được xem như “món ăn vặt” của người dân ở Hà Giang.
Sau khi trộn hai loại gạo với nhau, mang đi ngâm khoảng 4-5 tiếng rồi lại phơi khô. Khi gạo khô, người ta sẽ mang đi nghiền, sau đó đồ bột gạo lên cho chín. Tiếp theo là công đoạn mang gạo ra giã thật dẻo và nặn bánh to trông như những cục gạch. Đặc biệt, khi nặn phải nhanh và đều tay, tránh để bột quá nguội thì sẽ không dính quyện với nhau. Trọng lượng mỗi chiếc bánh đá khoảng 1kg.
Ảnh: Shopee
Khi đã hoàn thành các công đoạn trên, cho bánh vào hộp hoặc ủ rơm 3 ngày đến khi bánh có mùi mốc rồi đem bánh ra suối ngâm. Đây là cách đặc biệt mà bà con vùng cao dùng để bảo quản bánh đá. Khi nào trong nhà gần hết lương thực thì người ta mới ra suối vớt bánh về để ăn.
Ảnh: Dihagiang.com
Cách ăn món bánh đá
Chắc hẳn ai ai cũng sẽ rất tò mò về cách ăn loại đặc sản hiếm có này ở Hà Giang phải không?
Bánh đá sau khi vớt ở suối về phải được đánh sạch rêu, đánh tới khi bánh có màu trắng tinh thì mới thôi. Người dân thường dùng bàn chải hoặc xơ mướp để dễ dàng đánh rêu bám trên bánh.
Cách ăn bánh đá tùy thuộc vào mỗi người: có người thì ăn thay bún trộn cùng nước mắm nhưng cũng có người ăn như món giải khát hay món ăn vặt thường ngày. Ngoài ra, bạn có thể thái sợi giống như thái su hào xào rồi thả vào nồi nước gừng cùng đường phên đã đun sôi. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo của miếng bánh, hòa quyện cùng mùi gừng và vị ngọt của đường. Thật tuyệt vời khi đang ở Hà Giang, trong tiết trời lạnh của vùng cao mà được thưởng thức món ăn độc đáo này.
Ảnh: Fanpage Bánh đá Hà Giang
Giờ đây, tuy không ít gia đình đã có thể sắm một chiếc tủ lạnh để bảo quản thực phẩm nhưng bánh đá vẫn luôn là món ăn dân dã mà bà con vùng rẻo cao thường làm để ăn dần cũng như là cách để gìn giữ nét đẹp văn hóa, một đặc sản truyền thống của đồng bào nơi đây.
Đức Tuấn
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch