Một sáng oi nồng ở Sài Gòn, giai điệu êm dịu từ chiếc radio góc nhà của tôi vang lên: “Anh có về xứ Nghệ với em không/Đất miền Trung mưa dầm nắng gió/Về đó rồi anh thương nhiều hơn nữa/Bởi nơi em thắm đượm tình quê”.
Lời bài hát giản đơn, mộc mạc mà khiến nỗi nhớ quê hương của một người con phương xa trong tôi dâng trào da diết, đong đầy. Một trong những điều đọng lại trong tôi, thứ làm nên hương vị quê nhà là món canh lá lằng mẹ nấu vào những ngày oi bức. Chỉ đơn thuần là một bát canh rất dân dã của làng quê là vị đắng ngọt của lá kết hợp với hương vị thơm bùi của tép đồng pha chút thoang thoảng của cà chua mà gợi lên trong tôi biết bao hồi ức một khoảng thời gian thiếu thốn nhưng đong đầy tình yêu thương của mẹ. Ước mong quay trở lại làng cũ, nơi có những bữa cơm đạm bạc với dưa cà, mắm muối và bát canh lá lằng dân dã đã nuôi dưỡng tôi lớn khôn từng ngày, kỳ lạ thay vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí.
Lá lằng hay còn có tên gọi khác là lá đắng, sâm nam có nguồn gốc từ cây chân chim thuộc họ nhân sâm. Lá lằng ở quê tôi có ý nghĩa đặc biệt lắm. Là món canh trong bữa cơm người dân quê như một thứ lộc trời. Mẹ từng nói với tôi rằng, cây lá lằng trước đây thường mọc hoang ở ven rừng quanh các chân đồi, sườn núi. Vào mùa hè, lá lằng xanh mơn mỡn. Lá lằng được dùng để nấu canh thời điểm này là ngon nhất.
Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn nhưng loài cây này vẫn tươi tốt. Thân cây lá lằng vững chãi, chắt chiu biết bao tinh hoa của đất trời vươn lên mạnh mẽ. Từ những chiếc lá xanh mướt, non tơ, dài và to gần bằng lòng bàn tay, lá lằng phát triển mạnh mẽ trở thành thứ đồ ăn độc đáo, đặc trưng của miền quê nghèo, nhưng cũng làm bao thực khách xuyến xao nếu đã có lần được thưởng thức. Đó cũng là lý do mà càng về sau này lá lằng trở thành một loại lá được sử dụng thường xuyên trong các bữa cơm thì người dân quê tôi cũng nhanh chóng mang về trồng trong vườn nhà, vừa để cho gia đình sử dụng lại tranh thủ bán cho thương lái.
Canh lá lằng với những nguyên liệu đơn giản
Khi còn nhỏ, có lần tôi sang nhà thầy lang hàng xóm xin lá lằng cho mẹ, nghe thầy kể rằng: “Lá lằng chính là một loại sâm nam cháu ạ. Nó đắng lắm nhưng có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, kháng viêm… Thứ lá được người dân mình tin dùng như một vị thuốc, các cháu có thể dùng để nấu nước uống hoặc chế biến món ăn đều được”. Thầy lang giải thích bằng một giọng trầm đục, chậm rãi. Thế mà, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt phúc hậu lẫn giọng nói ấy đến tận bây giờ. Cũng chẳng biết có phải hiểu rất rõ công dụng của lá lằng hay không mà xóm tôi, ai cũng thích sử dụng lá lằng.
Những bữa cơm nhà tôi khi ấy đạm bạc đến vô cùng. Ngoài những món canh được tận dụng nấu từ các loại rau tập tàng có sẵn trong vườn thì mẹ hay nấu canh lá lằng với tép đồng, thỉnh thoảng là những con tép biển phơi khô.
Để nấu được một bát canh lá lằng ngon thì ngoài nguyên liệu chính là lá lằng (lá tươi hoặc lá khô đều được) mẹ tôi thường chuẩn bị thêm chút tép hoặc cá, cà chua nhỏ, một vài củ hành tím. Lá lằng sau khi được thái nhỏ sợi, mẹ tôi sẽ phi thơm hành, cho thêm cà chua, tép hoặc cá vào xào nêm nếm gia vị vừa ăn. Cuối cùng, mẹ tôi cho nước vào đun sôi, thả lá lằng vào, đợi nước sôi là tắt bếp. Một bát canh nghi ngút khói dậy lên mùi thơm bùi của tép đồng, thoang thoảng vị chua ngọt của cà chua và mùi hương ngai ngái của thức lá dân dã. Khi bắt đầu ăn, vị đắng sẽ như tan ngay trên đầu lưỡi khiến tôi khẽ khàng nhăn mặt lại.
Nhưng rồi mẹ lại dỗ dành: “Lá lằng ăn tốt lắm con ơi”. Dù đơn giản nhưng lại cực kỳ tròn vị. Mãi cho đến sau này khi lớn hơn một chút, tôi mới cảm nhận rõ hương vị rất đặc trưng của bát canh rất đỗi dân dã này.
Nhiều ngày trôi qua như thế, tôi dần quen với hương vị đặc trưng ấy. Thậm chí, có những hôm mẹ nấu canh khác, tôi cứ thấy thiếu vị đắng rất đặc trưng trong bữa ăn. Dần dần, canh lá lằng nấu tép đồng hay tép biển của mẹ trở thành món ăn đậm vị trong những bữa cơm của gia đình.
Những ngày hè, đôi khi chỉ cần có mấy quả cà dầm, đĩa cá trích kho và bát canh lá lằng mẹ nấu mà tôi thấy sao thật ngon. Giữa những ngày mà gió Lào cứ thổi như quạt, như hờn như giận, bát cơm vừa xới khỏi nồi đã thấy khô thì bát canh mát lành của mẹ như giảm nhẹ bớt phần nào cái oi bức, ngột ngạt của mùa hè ở đất miền Trung.
Học xong đại học, tôi xa ngôi làng thân thuộc cả một thời thơ ấu, nơi ấy có gia đình, người thân để đến tận trời Âu xa xôi. Suốt những năm tháng xa quê, bao nhiêu cực nhọc, khó khăn, tôi hiếm khi nói cùng mẹ. Tôi bươn chải với hy vọng duy nhất mẹ đỡ khổ, các em được ăn học đầy đủ. Mỗi lần nói chuyện với mẹ qua điện thoại, tôi chỉ hỏi thăm sức khỏe và nhắc về những món ăn dân dã của mẹ, trong đó có canh lá lằng. Tôi nhắc như một cách tự an ủi mình sau những lúc chơi vơi nơi xứ người.
Nhưng rồi, mẹ cũng chẳng đợi được tôi. Ngày tôi tất tả quay về, mưa trắng trời xóm nhỏ. Mấy đứa em ôm tôi mà khóc. Mẹ tôi đã lặng lẽ rời bỏ chúng tôi sau cơn bạo bệnh. Những ngày trống rỗng sau khi mẹ đi xa, lúc dọn dẹp nhà, tôi thấy nhiều túi lá lằng thái nhỏ phơi khô được gói ghém gọn gàng, treo góc bếp. Em gái nói rất khẽ khàng: “Mẹ bảo em để dành để gửi cho chị vì mẹ biết chị rất thích”. Tôi đau xót ôm khư khư bọc lá lằng như ôm cả tình mẹ, và những nuối tiếc, đớn đau vào lòng.
Sau này về định cư ở Sài Gòn, tôi vẫn mê món canh thời khốn khó. Giữa chốn thị thành phồn hoa, canh lá lằng cũng không phổ biến nhưng thỉnh thoảng tôi tự vào bếp, nấu cho mình một bát canh quê. Tôi cứ thèm đến những bữa cơm có người đồng hương để mà thỏa sức nói giọng quê, thỏa sức nhâm nhi vị đắng chát mà ngọt hậu của bát canh lá lằng tuổi thơ.
Lý An Nhiên
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch