<!—->
Người Dao nơi đây ăn Tết Hàn thực (thức ăn lạnh) từ mùng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Với hương vị thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đỗ xanh, bánh dày cho Tết Hàn thực trở nên hấp dẫn kỳ lạ.
Đã từ lâu, cứ đến dịp Tết Hàn thực người dân nơi đây lại tưng bừng, rộn rã giã bột làm bánh. Để tạo ra những chiếc bánh dày trắng tinh, dẻo thơm phải trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ. Gạo để giã bánh dày phải là gạo nếp nương “thuần chủng”, hạt tròn và khi nấu thành cơm thì dẻo quánh lại, thơm ngào ngạt. Để có những chiếc bánh dày dẻo thơm thì từ khi thu hoạch lúa, người Dao ở đây đã chú trọng đến việc phơi thóc, chỉ phơi thóc ở nhiệt độ vừa phải để tránh khi xay xát gạo bị gẫy nát.
Mỗi mẻ giã bánh dày thường là 5 kg gạo nếp nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi. Chõ xôi nóng được đổ cả vào cối giã tỏa ra hương thơm cơm mới quyến rũ, ngào ngạt khắp xóm bản.
Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn và được khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. Chày giã bánh dày có 2 đầu, quá trình giã được xoa mỡ vào đầu chày để chống dính. Những thanh niên khỏe mạnh được chọn giã bánh dày, còn phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh. Những tàu lá chuối rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn hoặc nước mưa trong vắt chứa trong bể được đậy cẩn thận, sau đó lau khô bằng khăn sạch. Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn bánh về một phía sau đó giã lại theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều. Có 2 loại bánh dày là bánh dày chay (không nhân) và bánh dày có nhân ngọt và nhân mặn. Bánh dày có nhân được làm bằng đậu xanh. Nhiều người lại thích ăn bánh dày nhân mặn hơn vì có thêm thịt dọi, vị bùi của cùi dừa và vị cay của hạt tiêu.Chiếc bánh dày trắng tinh, thơm phức được đặt giữa mảnh lá chuối rừng xanh nõn nà khiến cho món ăn thêm phần hấp dẫn./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch