<!—->
Đuông… đủng đỉnh trên cây
Hàng năm, cứ sau mùa sinh sản, đuông thường chọn cây dừa sung sức để khoét ngọn vào sinh trứng. Trứng nở ra ấu trùng, sau đó mẹ con nhà đuông “mở chiến dịch khai chiến” với củ hủ dừa một cách thỏa thích. Trung bình mỗi cây dừa có khoảng 100 con đuông ngày đêm “đánh chén” bộ óc dừa một cách say sưa ngon lành cho đến khi xuyên thủng ngọn dừa làm cây dừa kiệt sức rồi úa tàn dần đến chết. Chủ vườn phải hạ đốn để bắt đuông. Mỗi con đuông dừa cỡ ngón tay cái, ú mập, béo tròn.
Một số loại cây khác cũng có đuông nhưng hơi khó tìm. Cây đủng đỉnh khi thấy héo đọt thì chặt ra là có đuông cỡ ngón chân cái mập tròn, trắng múp. Ở Trà Vinh có đuông chà là, mỗi cây có một con ở cho đến khi già mọc cánh bay đi. Cứ thấy cây nào héo đọt là cây ấy có đuông. Đuông chà là to mà đem nướng, mỗi người ăn chừng… 3 con đã “thỏa mãn” rồi.
Đuông dừa khoét lỗ chui vào ngọn dừa non ăn củ hủ và sinh sản. Đến lúc đọt thối ngã ngang cũng là lúc đuông trong cây dừa rất nhiều, áp tai vào thân dừa sẽ nghe đuông rầm rì ở trong. Bổ thân dừa ra, mỗi con nằm một lỗ. Một cây có hàng trăm con, những con mọc cánh cũng ăn được và rất ngon.
Đuông dừa – “Sơn dương trùng”
Đuông dừa là món ăn dân dã nhưng hiện nay trở nên quý hiếm và rất đắt tiền, không phải lúc nào cũng có. Ngay cả những bậc lão nông lăn lộn với ruộng đồng, vườn tược trong đời cũng chỉ thưởng thức món này được vài ba lần. Tương truyền món đặc sản đuông dừa nướng lửa than ở Nam Bộ đã được tiến cống cung đình triều Nguyễn, dưới thời Hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Nhiều chuyên gia ẩm thực đã ví ấu trùng đuông dừa với “sơn dương trùng” mà Từ Hy Thái Hậu đã thết đãi các sứ thần phương Tây, thật cũng không có gì quá đáng.
Đuông dừa nướng lửa than bằng cách dùng hai thanh tre hoặc trúc, chẻ vừa miếng làm nẹp, kẹp đuông còn sống vào giữa để lên lửa than nướng liu riu, trở qua xoay lại cho đến khi chín giòn. Lấy ra mở nẹp xếp vào đĩa. Sửa soạn chén nước mắm me bằng cách lấy me lùi vào than cho chín rồi rót nước mắm Phú Quốc vào, thêm chút đường, bột ngọt cho vừa ăn.
Đuông nướng ăn với các loại rau xà lách, cải trời, càng cua, cải xanh, húng quế, tía tô, ớt. Dùng tay bốc đuông dừa lót lên các loại rau cuốn lại chấm vào chén mắm me chua, cắn một miếng nhai thong thả tận hưởng hết hương vị tỏa ra từ mùi hăng hăng, ngòn ngọt của rau, vị thơm lừng béo ngậy của thịt đuông, quện với vị chua chua của nước mắm me là vị cay nồng của ớt. Mùi vị tuy dân dã, nhưng sơn hào hải vị khó sánh kịp. Món đuông nướng hấp dẫn này có thể nhấm nháp lai rai với rượu Bàu Đá, Bình Định thì vua chúa cũng không sướng bằng…
Người Bình Định còn ngâm đuông vào nước mắm, sau đó mới đem lăn bột chiên ăn với rau xà lách, cà chua. Đuông nấu cháo nước cốt dừa cũng rất ngon. Đuông còn chế biến được nhiều món khác, món nào cũng béo, thơm. Bởi vậy, người sành ẩm thực cho rằng đuông dừa là đặc sản quý của phương Nam là vậy./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch