Các nghề truyền thống ở Ninh Bình đã hình thành, lưu tồn cùng với các thế hệ qua nhiều thế kỷ, xưa nay được nhân dân coi là thành phần kinh tế – xã hội quan trọng, thậm chí là đáng phải ngưỡng mộ. Dân gian có câu: “Ruộng bề bề chẳng bằng nghề trong tay”, hoặc “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. <!—->
Cách đây nghìn năm, vùng đất này từng đã có Kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt với một Nhà nước phong kiến tập quyền tự chủ đầu tiên của nước ta. Trải qua nhiều thời đại, vùng đất Ninh Bình – vùng cực Nam của Bắc bộ đã tích tụ một bề dày truyền thống phong hoá đặc sắc và phổ biến, cả về văn hoá và kinh tế nói chung
Về kinh tế, xưa kia cơ cấu cơ bản là: Công – nông – thương. Riêng về “công” (tức công nghiệp truyền thống) chính là những thành phần lao động sản xuất và các sản phẩm ngoài nông nghiệp. Đó chủ yếu là các nghề thủ công có từ thời cổ xưa, kết hợp với nghề nông, sớm hình thành nên một hình thái kinh tế mà trong đó lao động sản xuất vừa “chuyên” vừa “không chuyên” sao cho bảo đảm đời sống của cư dân.
Qua kết quả khảo sát sơ bộ, Ninh Bình hiện có khoảng 160 làng trong tổng số 1.500 làng (thôn, bản…) còn lưu tồn và phát triển các nghề truyền thống, với trên 40 nghề khác nhau. Những làng nghề “tiêu biểu” thì có chừng vài chục. Đó là những làng mà ở đó số lao động, kể cả những người ngoài độ tuổi lao động tham gia làm nghề, số các hộ gia đình có người làm nghề chiếm một tỷ lệ nhất định và mức thu nhập từ nghề truyền thống chiếm tỷ trọng lớn so với tổng thu nhập kinh tế của cả làng nói chung và của mỗi hộ gia đình nói riêng.
Những nghề truyền thống tiêu biểu ở Ninh Bình hiện nay là: Nghề chạm khắc đá (tập trung ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư); nghề thêu ren (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); nghề làm hàng cói (ở huyện Kim Sơn); nghề mộc (tập trung nhiều ở phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình); nghề đan lát (ở Gia Viễn, Nho Quan)…
Với hầu hết các nghề truyền thống thì sự liên kết các cá thể là thành viên trong mỗi họ giáp, mỗi thôn làng gắn bó mật thiết. Các nghề truyền thống thường để lại dấu ấn văn hoá đặc trưng, trong đó có “văn hoá tâm linh”, “văn hoá nghệ thuật”. Có những sản phẩm đặc sắc được chế tác thủ công ở Ninh Bình (như sản phẩm cói, thêu ren, chạm khắc…) còn rất ít nghệ nhân với kết hợp tài tình sự tinh luyện, óc sáng tạo và yếu tố bí truyền.
Trước đây, quy trình chế tác ra sản phẩm của các nghề truyền thống hầu như chỉ được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ việc sản xuất, khai thác nguyên, vật liệu, việc chế tác ra các dụng cụ để hành nghề đến việc chế tác và hoàn thiện sản phẩm. Do vậy mới gọi là nghề thủ công.
Ngày nay, quy trình sản xuất, khai thác nguyên, vật liệu và chế tác các sản phẩm, mặt hàng truyền thống có sự hỗ trợ ngày càng nhiều của các phương tiện, thiết bị máy móc hiện đại, chẳng hạn như: Máy khoan, xẻ đá, máy cày bừa, máy nhào đất, máy cưa, khoan, tiện… Các phương tiện máy móc đã giúp cho người thợ đỡ tốn rất nhiều công sức và thời gian lao động. Đó chính là những thành quả về “công nghiệp hoá các nghề thủ công”.
Tuy nhiên, cho dù phương tiện máy móc có hiện đại, công suất lớn, giàu tính năng đến bao nhiêu cũng không thể thay thế được yếu tố con người, đặc biệt là các nghệ nhân tài hoa, lão luyện. Chính các phương tiện máy móc để sản xuất, chế tác sản phẩm lại đòi hỏi phải có những con người đủ trình độ tri thức, sự khéo léo, thông minh.
Các sản phẩm từ nghề truyền thống ở Ninh Bình đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều trên thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, doanh thu từ các nghề truyền thống tăng lên rõ rệt hàng năm, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập kinh tế của nhiều địa phương. Phát triển các nghề truyền thống cũng chính là “một định hướng công nghiệp hoá”./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch