Đây là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, nuôi sống dân làng trong những lúc nông nhàn hay những ” ngày Tám, tháng Ba”. Đối với người dân nơi đây, việc làm mành không những tăng thu nhập cho gia đình mà còn là niềm vui, là những phút thư giãn quý giá. Chính vì vậy, từ người già đến trẻ nhỏ đều rất hăng say, miệt mài với công việc. Đôi bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân vót nan” đã biến những cây tre làng gai góc, chắc chắn thành những chiếc nan mành mảnh dẻ, nuột nà để tạo nên chiếc mành tre đậm đà bản sắc văn hóa Việt. <!—->
Từ bao đời nay, làng quê Việt Nam luôn hiện hữu hình ảnh cây tre với những lũy tre làng, những rặng tre, bờ tre. Tre mọc thành cụm, thành bụi, rất xanh tốt ở các triền đê, ở quanh các ngôi làng như những bức tường thành bao bọc, chở che cho làng. Tre là nguyên liệu của không ít các đồ dùng trong sinh hoạt của người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là với người dân nông thôn nói riêng, từ các đồ dùng trong nhà như: Đũa, chõng, ghế, thúng, mủng, nong, nia…đến các đồ dùng cho công việc đồng áng như: Cán cuốc, răng bừa, sọt, …
Chiếc mành tre là sự hợp thành của rất nhiều chiếc nan tre được chẻ nhỏ, vót trơn, được ghép vào nhau bởi những loại dây rất bền, chắc như dây dù, dây mây…được treo ở trước cửa ra vào, ở cửa sổ; hay được buông rủ nơi bàn thờ tổ tiên, nơi cửa đình, cửa đền… Ngoài tác dụng che chắn nắng, gió, bụi bặm, các côn trùng( ruồi, muỗi… ) nó còn như một sản phẩm thể hiện nét văn hóa của người dân Việt. Thường ngày ở mỗi gia đình, chiếc mành được vén lên để trong nhà được thoáng khí, sáng sủa nhưng đến mỗi bữa ăn hay những lúc nghỉ trưa, những khi có việc bàn bạc trong gia đình, nó được hạ xuống tạo ra sự kín đáo, tránh sự phô trương, ầm ĩ… Còn ở các hàng quán trong chợ quê hay các quán ven đường, chiếc mành cũng được sử dụng để che chắn cho mỗi thực khách khi bước chân vào sẽ được thưởng thức trọn vẹn hương vị đồng quê.
Ngày trước, mành tre được sử dụng rất phổ biến, nay với sự phát triển khoa học kỹ thuật, sự tiến bộ của xã hội, chiếc mành tre dần bị mất đi, thay vào đó là những loại cửa được thiết kế theo kiểu hiện đại. Các nhà hàng mọc lên san sát, chỉ còn lác đác một số ngôi nhà hay các quán nhỏ ven đường còn giữ lại được nét văn hóa mành tre này, và với việc bê tông hóa kênh mương, đường làng, ngõ xóm đã làm biến mất những rặng tre, những lũy tre làng. .Nhưng vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của những chiếc mành tre thì cũng không bao giờ mất đi.
Chiếc mành ngày nay không chỉ được làm từ tre mà còn được làm từ nứa và các loại cây họ tre nên được người dân rất ưa chuộng. Người sử dụng kết hợp giữa cái lộng lẫy, sang trọng của kiến trúc hiện đại với nét cổ điển, trầm mặc của chiếc mành tre dân dã, tạo một không gian thoáng đãng với ánh sáng tự nhiên, mang đến cảm giác thoải mái, thư thái bình dị của chốn thôn quê giữa lòng thành phố. Những chiếc mành tre được bày bán rất nhiều và được tiêu thụ với một số lượng lớn bởi những tác dụng thiết thực của nó trong cả đời sống văn hóa và thẩm mỹ.
Mỗi chiếc mành tre là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người dân chân chất chốn thôn quê. Nghề làm mành tre làng Cuông vẫn đang được duy trì từng ngày, sản phẩm của làng không những chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được bán sang các tỉnh lân cận ở trong Nam, ngoài Bắc./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch