Cơ sở tranh thêu Trung tâm dạy nghề huyện Đầm Dơi ra đời từ năm 2007. Hơn 5 năm hoạt động, cơ sở tranh thêu của Trung tâm đã vượt qua mọi thăng trầm để ngày một phát triển và không ngừng lớn mạnh.
Ông Phước Thới, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Đầm Dơi cho biết: Từ chỗ ban đầu chỉ có một vài nghệ nhân, đến nay Trung tâm đã có một đội ngũ thầy, thợ vững tay nghề và đào tạo hơn 1.000 học viên ra nghề, với mức thu nhập tương đối ổn định. Nghề tranh thêu tay ở Đầm Dơi đã góp phần bảo tồn và tôn vinh nghề tranh thêu truyền thống. Đồng thời, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động nông nhàn ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình cho nhiều lao động nữ. Những hình ảnh về người phụ nữ tảo tần, ngày ngày “chân lấm, tay bùn” không còn nữa mà thay vào đó là bức tranh sinh động đang từng ngày vẽ nên sức sống mới của làng thêu tay ở xứ sở Đầm Dơi này.
<!—->
Nói về các ngành trong nghề thêu tay, cô Nhanh, một trong những giáo viên dạy thêu, cho biết: Thêu được chia làm nhiều hệ nhiều ngành như: Ngành thêu giao tế, tế tự (là những câu đối, liễn trướng, hoành phi, y môn quần bàn, cờ đoàn thể…); Ngành thêu các loại tranh trang trí trưng bày nội thất (như tranh thêu danh lam thắng cảnh, tranh thêu các điển tích biểu tượng, tranh thêu chữ, thêu chân dung…
Ngành hàng thêu này hiện đang đắc dụng và phát triển mạnh. Khách hàng thường mua treo hoặc làm quà mừng, quà tặng các cơ quan công sở ở địa phương); Ngành thêu nhật dụng (Thêu các khăn bàn ăn uống, áo ngủ, khăn phủ giường, tranh trần… với kỹ thuật thêu khác biệt, như rút bớt sợi chỉ dệt trong tấm vải trắng và thêu thay vào các họa tiết cũng toàn bằng chỉ trắng và độn nổi nhưng cách thêu đơn giản và ít tốn công).
Học nghề thêu đã khó, thành công với nghề lại càng khó hơn, bởi nghề thêu hoàn toàn thực hiện bằng bàn tay, đôi mắt và sự cần mẫn của người thợ, nên không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Mỗi lần ngồi vào khung thêu là mỗi lần sáng tạo của nghệ nhân. Chính vì vậy, nghề thêu mang đậm nét phong cách riêng của mình không lẫn vào đâu được.
Người thợ thêu muốn tạo ra sản phẩm đẹp và truyền tải được câu chuyện trong tranh đến với người xem yêu nghệ thuật, trước hết phải là người có năng khiếu họa sỹ, am hiểu những thước đo và gam màu trong lĩnh vực nghệ thuật, sau đó là sự kết hợp của đôi bàn tay khéo léo, cái nhìn thẩm mỹ của đôi mắt và phải hết sức cần cù, tỉ mỉ, biết điều chỉnh màu phối. Những đặc điểm ấy là yếu tố để nghệ nhân, người thợ tạo ra các tác phẩm tinh tế, hài hòa về màu sắc và hoa văn trên nền vải.
Có một điều dễ nhận ra về tranh thêu của Trung tâm dạy nghề huyện Đầm Dơi, đó là thế mạnh về tranh thêu phong cảnh. Các đề tài phong phú, đa dạng trong cuộc sống được phản ánh rõ nét thông qua hình tượng, bố cục rõ ràng, đường nét tinh tế, sinh động. Những bức tranh thêu về quê hương Cà Mau được khách hàng, người xem trầm trồ khen đẹp. Đẹp bởi từng mối chỉ, đường kim. Đẹp bởi bàn tay tài hoa của người thợ và có sức hấp dẫn làm lay động lòng người.
Thêu thùa ren đan đã trở thành một trong những phẩm chất quý báu gắn với “tứ đức” công – dung – ngôn – hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, nghề thêu tay đã trở thành một phần sinh hoạt của đời sống của người phụ nữ và là đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch