Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ ở tuy không phát triển thành một làng nghề truyền thống, nhưng đã và đang tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời. Giấy dó là sản phẩm phổ biến dùng trong nghi thức cúng tế của người Dao đỏ.
<!—->
Cũng như nhiều gia đình người Dao ở xã Nậm Lành, năm nào cũng vậy, chuẩn bị đón tết Nguyên đán, gia đình bà Lý Thị Kiều, thôn Nậm Kịp đều chuẩn bị nguyên liệu làm giấy dó. Công việc này tuy vất vả, tỉ mỉ, không có thu nhập nhưng với ý thức giữ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bà Kiều vẫn duy trì đều đặn để mỗi tuần sản xuất một mẻ giấy khoảng 600 tờ.
Theo tâm sự của bà, cứ dịp gần đến tết Nguyên đán, người dân trong xã mới bắt tay làm giấy dó, sau đó nhờ các thầy cúng cao tay trong xã vẽ tranh, viết chữ treo trong nhà cho may mắn và giấy phải tự tay gia đình làm ra mới linh thiêng. Song, để làm được sản phẩm giấy dó cũng tốn khá nhiều công, từ việc lấy nguyên liệu, ngâm ủ đến làm ra sản phẩm cũng phải mất nửa tháng trời.
Giấy dó được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như: lễ tết, ma chay, cưới hỏi của người Dao đỏ. Mỗi tờ giấy chính là nguyên liệu để các nghệ nhân thể hiện các tác phẩm tranh vẽ tín ngưỡng phục vụ thờ cúng, tục treo tranh, các lễ hội như Cấp sắc, hội xuân…
Từ xa xưa, giấy dó còn được dùng để viết thư thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và không thể thiếu để phục vụ nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, giấy dó còn dùng để làm bía cho trẻ con, người lớn, chính bởi vậy mà nghề làm giấy dó của người Dao đỏ còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Xã Nậm Lành có trên 90% là dân tộc Dao đỏ, trước đây hầu hết các nhà đều làm giấy dó nhưng giờ nghề truyền thống này đang dần bị mai một, đến nay chỉ còn gần 10 hộ duy trì nghề. Đây là loại giấy độc đáo do chính bàn tay người Dao đỏ làm ra, có nguồn gốc từ rất lâu đời và công nghệ sản xuất được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Đây là loại giấy rất đặc biệt, không trắng như giấy công nghiệp nhưng dai, bền và thoang thoảng mùi thơm cây rừng. Loại cây được sử dụng để làm giấy nhiều nhất là cây vầu hoặc rơm nếp sau mùa thu hoạch. Dụng cụ cơ bản để làm giấy dó là một cái khuôn làm bằng vải, có nhiều kích cỡ khác nhau (thường là 60cmx120cm), một nồi nấu chất liệu giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy…
Khi cây vầu cao chừng 3 mét, người ta chặt về, loại bỏ lá, cành rồi cắt thành từng đoạn ngắn đem luộc mềm. Vầu hoặc rơm đã luộc được ngâm với vôi và tro bếp khoảng 10 ngày cho nhuyễn hẳn rồi dùng cối để giã thành bột, khi đó sẽ được một loại dung dịch sóng sánh màu vàng xanh. Người Dao đỏ lấy dung dịch này tráng thật mỏng trên khuôn vải giống như tráng bánh cuốn, phơi khô rồi bóc ra là được tấm giấy dó đầu tiên.
Việc làm giấy chủ yếu do người phụ nữ Dao đảm nhiệm. Để có những tờ giấy vuông vắn, công đoạn cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp, gấp vào, dùng thanh nứa mảnh rọc theo khổ 10 x 20cm hoặc 20 x 30cm, sau đó chạm hoa văn nổi bằng một dụng cụ kim loại. Mỗi tờ giấy cầm lên mỏng tang, sắc vàng, độ xốp cao, dai mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và phảng phất hương thơm của cây rừng.
Được làm từ bàn tay khéo léo của người Dao đỏ, theo những bí quyết riêng, giấy dó là loại giấy tuy mỏng, nhưng dai và bền hơn giấy sản xuất công nghiệp. Nếu được bảo quản ở nơi khô ráo, giấy có thể để vài chục năm. Bởi thế, loại giấy này phổ biến và được ưa thích không chỉ trong cộng đồng người Dao. Mỗi gia đình người Dao có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính để đánh dấu. Cũng giống như người Kinh đốt vàng mã trong ngày lễ, người Dao đỏ cũng đốt giấy dó theo quan niệm tâm linh.
Ngoài ra, giấy dó còn được đóng thành quyển để viết chữ. Trong mỗi gia đình người Dao đỏ nói riêng đều lưu giữ một, hai cuốn sách chữ nho viết bằng mực màu trên giấy dó. Trải qua bao thế hệ, có cuốn bìa đã rách nát mà nét chữ vẫn không phai màu. Chính sự cẩn trọng, giữ gìn và lòng thành kính khi sử dụng giấy dó đã cho thấy giá trị tôn nghiêm của loại giấy này trong đời sống văn hóa phong tục của người Dao đỏ. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, lớp trẻ dân tộc Dao được tiếp cận với nhiều nền văn hóa hiện đại, được sử dụng các loại giấy chất lượng cao, tiện lợi, rẻ tiền, dễ sử dụng nên nghề làm giấy dó đang có nguy cơ bị mai một.
Để gìn giữ một nghề truyền thống không mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân không phải là chuyện đơn giản bởi theo như tâm sự của bà Bàn Thị Náy – Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lành thì lớp trẻ trong làng, trong xã lớn lên đều thoát ly để kiếm sống, hầu như chúng không mặn mà với công việc này, lớp người già biết làm cũng dần mai một.
Nghề làm giấy dó của người Dao đỏ ở xã Nậm Lành tuy không phát triển thành một làng nghề truyền thống, nhưng đã và đang tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời, đồng thời nó có tầm quan trọng đối với phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của dân tộc. Việc nghiên cứu bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc trưng này không chỉ có người dân làm được mà rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch