<!—->
Nằm cách TP Cần Thơ chừng 15km, vào Phong Điền đi qua phà Vàm Xáng rồi tới bến đò Mương Ngang, quẹo phải chừng 30m là bạn đã đến lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách.
Bánh hỏi mặt võng khác hẳn với bánh hỏi khác do có vị ngọt, mặn từ bí quyết quậy bột, nêm gia vị và độ trong, dai, không dùng chất phụ gia. Bột gạo làm bánh cũng từ loại gạo Sa Đéc loại đặc biệt. Bánh có hoa văn mặt võng, tinh tế do sự khéo tay của người làm. Xem hình mặt võng có thể đánh giá tay nghề của các nghệ nhân đạt đẳng cấp cao thấp khác nhau.
Để hoàn thành miếng bánh hỏi mặt võng phải qua nhiều công đoạn công phu. Bột gạo quậy với nước cho vào nồi đặt lên bếp lửa liu riu, dùng vá khuấy bột cho đặc lại để lấy trùng rồi đem ra cối xả nhiều lần cho mịn, xong để nguội. Kế đến, cắt lá chuối khoảng hai tấc vuông rửa sạch, để ráo.
Cho bột vào khuôn hình trụ, phía trên có một cây chày được kết dính với một thanh tre dài để ép bánh. Người bánh bắt để trên tay tấm lá chuối đã rọc sẵn kích cỡ, hứng dưới đáy khuôn khi bột ép xuống thì dùng tay di chuyển tấm lá chuối cho bột bánh đan kết thành hình mặt võng một cách đều đặn, đẹp mắt rồi đem vào xửng hấp độ khoảng 5 phút là bánh chín.
Giở xửng lấy bánh để nguội, gỡ lá chuối ra và xếp cứ 4 miếng bánh 1 xấp. Khi ăn, chỉ cần xếp bánh lên đĩa, tùy theo yêu cầu trang trí chất vòng, cắt làm 3 cuốn lại với rau thơm, cho thịt nướng kim tiền hay heo quay vào, cùng mỡ hành phi rưới lên bánh hỏi… Lúc này chỉ cần thêm chén nước mắm ớt chua ngọt hoặc chén mắm nêm tùy thích.
Ngoài 2 món chủ lực là bánh hỏi mặt võng thịt kim tiền, bánh hỏi mặt võng thịt heo quay, cháo tương yêu, nơi đây còn có các món ăn dân dã: ốc, lươn um, lẩu mắm đồng quê… và các loại bánh truyền thống khác như bánh lá mít, bánh đùm, bánh xếp, bánh bò, bánh da lợn, bánh ít, bánh tét, bánh tằm se tay…
Đến đây, được thong dong dưới tán cây râm mát, thưởng thức món ăn truyền thống và cây trái vườn nhà, du khách nào cũng thích thú và hẹn ngày trở lại./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch