Có nhiều loại mắm, nhưng nấu nồi mắm kho không gì hơn là mắm cá sặt hoặc mắm cá linh. Cho một trong hai loại mắm này vào nồi với lượng nước dừa dảo vừa đủ, nấu sôi, lược bỏ xác mắm. Sau đó cho nồi lên bếp trở lại, nước trong nồi sôi, thả nguyên liệu gồm cá (cá lóc, cá trê, cá dứa, cá ba sa, cá bông lau cắt khúc, riêng cá rô thì để nguyên con) và tép (lột bỏ vỏ) vào. Liệu chừng nước mắm kho thấm sâu vào cá, tép thì cho cà tím cắt khúc chẻ đôi, đậu bắp, khổ qua xắt miếng dày, ớt sừng trâu đập giập vào. Tất cả vừa chín tới thì chế nước cốt dừa vào. Nồi mắm sôi, nêm nếm vừa ăn, nhấc xuống bếp, múc ra tô.<!—->
Phụ liệu của mắm kho dừa là các loại rau cải sống: rau dừa, rau nhút, rau ngổ, rau muống, kèo nèo, rau mác, cải xanh, cải trời, giá sống, bông so đũa, bông súng, bông bí… Các loại rau cải rửa sạch, để ráo nước, khi ăn nhúng vào tô mắm kho dừa đã giằm trái ớt hiểm mẳn. Người ta có thể ăn mắm kho dừa với cơm. Nhưng có người thích ăn với bún, cho “nhẹ bụng”.
Thế nhưng, ăn mắm kho dừa như vậy có phần kém khoái khẩu nên người ta chuyển món mắm kho dừa thành lẩu mắm kho dừa. Khi nước mắm dừa dảo trong lẩu sôi, nêm nếm vừa ăn, chế nước cốt dừa rồi thả nguyên liệu vào, đợi lẩu sôi thì thưởng thức. Nồi lẩu mắm luôn được giữ nóng hổi, tỏa mùi thơm hấp dẫn. Khi ăn, người ta cho rau sống vào chén, chan nước mắm kho hoặc nhúng rau sống vào lẩu trước khi ăn. Những cọng rau giòn giòn đẫm vị mắm mặn ngọt thơm. Lẩu mắm kho thường đã ngon. Lẩu mắm kho dừa càng ngon hơn nhờ chất béo thơm của nước cốt dừa. Đặc biệt, vị cay của ớt trung hòa vị mặn, nhất là mùi mắm, thành một tổng hợp mùi vị hấp dẫn. Đây là món ngon khi gia đình sum họp; lại là món đưa cay lý thú lúc bạn bè, anh em chí cốt vừa hàn huyên tâm sự, vừa bàn chuyện làm ăn với ly rượu dừa nghĩa tình./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch