tỉnh Thừa Thiên – Huế, làng cổ Phước Tích như một bảo tàng văn hóa làng
quê Việt sống động được gìn giữ nguyên vẹn qua hàng trăm năm.
(Nguồn ảnh: internet)
Vùng đất Phước Tích trước đây là xứ Cồn Dương, nơi sinh sống của các
dân tộc ít người. Sau đại thắng quân Chiêm Thành năm 1470, dưới thời Vua
Lê Thánh Tông (1460 – 1497), hầu tước Hoàng Minh Hùng (quê ở Cẩm Quyết,
Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã chiêu mộ một số người đồng hương vào xứ Cồn
Dương khai hoang lập ấp. Sau đó, xứ Cồn Dương được đổi tên thành làng
Phúc Giang, rồi làng Hoàng Giang. Đến thời Vua Gia Long (1802 – 1820),
làng đổi tên thành Phước Tích với ý nghĩa tích lũy công đức cho con
cháu. Hầu tước Hoàng Minh Hùng được coi là ông tổ khai sinh làng.
(Nguồn ảnh: internet)
Các công trình kiến trúc của làng từ nhà cửa, đình làng, đền, miếu, nhà
thờ họ đều được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc nhà vườn đặc trưng
của vùng đất Thuận Hóa xưa (là địa danh hành chính cũ của vùng đất bao
gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế). Trong tổng số 117 ngôi
nhà ở Phước Tích thì có đến 37 nhà rường có tuổi trên 100 năm, trong đó,
12 ngôi nhà rường được xếp vào loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi từ 150
– 200 năm. Nhà rường ở đây có kiến trúc 3 gian hai chái, cột gỗ đen
bóng; vì kèo, xuyên, trếnh, hoành phi, bản khoa, cửa đố… đều được chạm
trổ tinh xảo, công phu. Bên trong các ngôi nhà có nhiều vật dụng cổ
được người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ như: bình vôi, mâm uống rượu,
mâm ăn bằng gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm muối, lu đựng nước… Ở Phước
Tích, mỗi ngôi nhà cách nhau một khu vườn rộng với những hàng chè tàu
xanh, thẳng tắp, nép mình dưới những bóng cây cổ thụ nhuốm màu thời
gian tạo nên bức tranh làng quê gần gũi, nên thơ. Đặc biệt, trong làng
còn có cây thị gần 1.000 năm, chu vi gốc hai người ôm không xuể; cây
hoàng lan trên 100 năm vẫn nở hoa đúng mùa thơm ngát cả vùng quê.
(Nguồn ảnh: internet)
Làng Phước Tích trước đây nổi tiếng với sản phẩm gốm tiến vua có độ
bền, đẹp và kỹ thuật chế tác điêu luyện. Đến nay, dấu tích các lò gốm
xưa vẫn được gìn giữ. Dân làng Phước Tích đã dành riêng một cồn đất gọi
là cồn Trèng để lưu giữ những mảnh gốm cũ như một bảo tàng truyền thống
của làng.
Phước Tích còn được mệnh danh là làng khoa bảng, nơi có nhiều
người đỗ đạt cao. Chỉ tính riêng trong triều đại nhà Nguyễn (1802 –
1945), làng đã có 19 người đỗ cử nhân, tiến sỹ làm quan trong triều. Dân
làng Phước Tích đã xây đền thờ Khổng Tử ở ngay đầu làng nhằm tôn
vinh sự hiếu học và khuyến khích con cháu trong làng chuyên cần theo
nghiệp bút nghiên.
Đặc biệt, ở làng cổ Phước Tích, từ người già đến con trẻ, ai
cũng tường tận lịch sử của làng như bài học đầu tiên trong đời. Điều này
đã gây ấn tượng mạnh với du khách khi chứng kiến sự trân trọng của
người dân Phước Tích đối với di sản của ông cha.
Làng cổ Phước Tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2009.
Lam Phương
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch