Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra vào dịp tháng 2 âm lịch hằng năm ở làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nhằm cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa trong đời sống nông nghiệp ở một vùng quê sông nước, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh… trên dòng sông Thu.
Trên dòng Thu Bồn, đoạn chảy qua làng Thu Bồn, từ sau tết đến hết tháng 3 (âm lịch), cá mòi kéo về đây hội tụ, nổi đầy mặt sông. Các ngư dân tổ chức đơm đó, đặt nò để bắt cá, dụ cá. Có những năm cá nhiều, mỗi ngày, mỗi gia đình bán được vài tạ cá; thậm chí, có mùa nhiều nhà còn phải làm mắm, hoặc phơi khô để ăn và bán cho bà con trong những ngày mưa gió.
Để làm món gỏi, người ta lựa cá lớn vừa vừa, xương tuy nhiều nhưng mềm, chặt bỏ đầu, đuôi, vây, moi bỏ ruột, đánh sạch vẩy, rửa sạch để ráo, dùng dao bén tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Thính riềng hơn hẳn những loại thính thường ở chỗ vừa làm cho thịt cá khô ráo, lại vừa ướp thơm và khử khuẩn cho cá. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này đun sôi hoà thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt. Khi dọn ăn, trộn thêm mè và đậu phộng rang giã nhỏ vào nước chấm.
Gỏi cá mòi thường ăn kèm với các loại rau quen thuộc như đinh lăng, tía tô, ngò tàu, xà lách, chuối chát, xoài chua… Song làm nên đặc trưng của món này phải kể đến các loại rau rừng “chủ lực”, được hái từ vùng rừng núi thượng nguồn sông Thu, khi trời còn mờ sương, mới đảm bảo tươi non và giữ nguyên mùi vị. Có hai cách ăn gỏi cá mòi: Hoặc thịt cá đã ướp với rau các loại được cuốn bánh tráng mỏng và chấm nước chấm, ăn thêm với bánh tráng nướng; hoặc chỉ việc trộn cá đã ướp với rau và nước chấm vào một tô, cứ thế mà ăn khi nào “đã” mới thôi.
Khi ăn, gắp một chiếc lá rừng lớn thêm một nhúm lá thái nhỏ, vài miếng thịt cá lấm tấm thính riềng vàng rộm, cuộn lại và chấm vào bát nước chấm và …nhai…, nhai nửa chừng, “đệm” thêm miếng bánh tráng nướng vàng ươm, giòn tan trong miệng. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng ớt cay thơm, quyện với hương vị các loại lá “hương rừng cỏ nội” kèm thêm miếng chuối xanh chan chát, miếng khế chua… như ngấm vào chân răng, đầu lưỡi. Đặc biệt, ăn gỏi ngon nhất là “nhấm” với rượu gạo chính hiệu, làm cho món ăn sẽ thăng hoa và thi vị hơn.
Cùng với món gỏi cá mòi sông Thu Bồn, các món dân dã chế biến từ cá mòi nơi đây như: Mì Quảng nhân cá mòi um, ram cá mòi, chả cá mòi chiên…, tất cả phối hợp với nhau tạo nên một “gu” ẩm thực độc đáo của người dân sông Thu xứ Quảng.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch