<!—->
Cũng như những miền quê khác ở Tây Nam Bộ, đất Sóc Trăng với kênh rạch chằng chịt dọc ngang. Ven bờ sông lá dừa nước mọc ken dày tạo nên một màu xanh ngút tầm mắt. Mọc chen trong các đám lá dừa nước ngoài các loại cây thân gỗ như bần, vẹt, quao, dái ngựa,… còn có những loài dây leo như cóc kèn, dây choại, … đặc biệt là dây mơ rừng. Lá mơ cho mùi đặc trưng nên dân gian đặt cho nó cái tên: lá thúi địt.
Để làm món bánh nắn lá dừa nước, người dân lấy gạo lúa mùa đem ngâm cho mềm, xay bột rồi bồng lại và dằn khô. Lá thúi địt hái mấy nắm rửa sạch, cho vào cối dùng chày đâm nát, rồi chế nước xâm xấp vào để vắt, lược bỏ xác. Đem nước ấy, cùng với ít nước đường đã hòa tan cho vô bột đã xay để nhồi. Đến khi bột mềm, dẻo vừa tay nắn là được.
Lá dừa róc ra từ sống lá cắt bỏ đầu đuôi cho gọn, đẹp. Dùng tay cạo bỏ những chỉ đỏ phía trong rồi rửa, lau sạch. Dùng bột đã chuẩn bị nắn lên những chiếc lá đó. Được hai ba chục lá thì đem hấp.
Người ta bắc nồi nước lớn, phía trên lật úp chiếc rế nhắc nồi còn mới (rế nhắc nồi đươn bằng tre, dùng để đặt nồi cơm, nồi canh cho đừng dính nhọ, vì nồi nấu bằng củi, rơm nên đáy nồi có nhiều nhọ) rồi để lá bánh lên trên hấp cách thủy. Lửa lớn, nước sôi, hơi nước bốc lên làm cho bánh chín. Khi hấp bánh thì một số người khác chuẩn bị thắng nước cốt dừa. Dừa khô nạo lấy cơm, vắt nước cốt, bắc chảo thắng. Người ta thêm ít bột mì, ít đường, muối để nước cốt sền sệt và tăng thêm hương vị.
Bánh chín đem ra để âm ấm rồi dùng tay gỡ bánh ra khỏi lá. Sắp những dây bánh có mầu xám đen vào dĩa, chan nước cốt lên, rắc thêm ít đậu phộng rang đâm nhuyễn là đã có được món ăn vừa đậm đà, ngon miệng lại no lòng. Mùi vị riêng của lá thúi địt hoà vào bột, bột lại nắn trên lá dừa nước còn tươi đã tạo thành một thứ bánh đầy quyến rũ miền thôn dã. Nó khiến người đi xa nhớ mãi câu ca dao xưa: “Phảng phất hương vị quê mùa/ Bánh nắn lá chan nước cốt dừa khó quên”./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch