Bánh gio Đa Mai được làm từ những nguyên liệu đơn giản, sẵn có bao gồm: Gạo nếp, lá dong hoặc lá ỏng, cây dền gai, vỏ bưởi… Tuy nhiên để hoàn thành một mẻ bánh lại cần sự công phu và khéo léo của người làm. Gạo phải là loại nếp cái hoa vàng được đãi sạch, không sạn, không lẫn gạo tẻ. Cây dền gai và vỏ bưởi phơi khô, đốt thành tro để nguội, hòa cùng nước vôi trong để lắng lại rồi chắt lấy nước trong…
<!—->
Người làm bánh cần chú ý tỷ lệ tro và nước vôi trong hợp lý bởi nếu quá tay bánh sẽ bị nồng, mất ngon. Dùng nước này ngâm gạo nếp đã đãi sạch khoảng 4 – 5 tiếng rồi vớt ra, để ráo.
Cũng như gói bánh chưng, lá gói bánh gio khi nhúng qua nước sôi phải giữ được màu xanh để tạo nên màu bánh hấp dẫn. Người làm khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn và bẻ mép lá ở hai đầu bánh thật khít, cân đối, sau đó dùng dây lạt buộc lại không quá chặt để khi luộc, hạt gạo nở đều.
Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5 – 6 giờ vớt ra để nguội. Bánh gio luộc chín có màu vàng nâu (màu hổ phách) trông rất bắt mắt, hấp dẫn và thường được ăn kèm với đường hoặc mật. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện với vị ngọt của đường và sự tài hoa, khéo léo của người thợ làm bánh. Đặc biệt, bánh gio có thể để được từ 5 – 7 ngày.
Ở nhiều nơi, bánh gio chỉ được làm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 – 5 âm lịch) hay Tết Nguyên đán nhưng với người dân Đa Mai, bánh được làm hàng ngày để bán tại các chợ, giao cho các nhà hàng hoặc làm quà biếu khách phương xa.
Làm bánh gio không tốn nhiều nhân lực như làm bún, thường chỉ 1 – 2 người. Hiện nay ở phường Đa Mai có khoảng 10 hộ làm bánh gio với mức thu nhập khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Trải qua thời gian với bao đổi thay của cuộc sống song người dân Đa Mai vẫn giữ được nghề làm bánh gio – món ăn dân dã, mang đậm hương vị quê hương. Đã đến Bắc Giang, ghé thăm làng Đa Mai, du khách đừng quên thưởng thức món bánh giản dị hấp dẫn này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch