Bàu Súng là bàu nước ngọt, diện tích khoảng 126ha. Xung quanh bàu, ken dày những lũy tre xanh ngút bao bọc làng xóm bên trong. Tùy theo mùa, trong bàu người dân trồng đủ loại hoa màu.<!—->
Từ tháng Giêng đến nửa tháng 2 âm lịch, bàu Súng có hai món ngon độc đáo, đó là cá diếc và bông súng. Trước đây, mùa này cá diếc dưới bàu nhiều vô kể. Cá diếc ở đây cho thịt ngon và gần như trở thành thương hiệu, “đóng đinh” trong trí nhớ của nhiều người khi nói đến địa danh này: Cá diếc bàu Súng! Cá diếc tươi nấu món gì cũng ngon nhưng ngon nhất là kho gừng, nấu với cà chua xanh ở xóm Mới (thuộc thôn Hòa Đa) thì không gì sánh bằng. Hồi trước, nhiều người mê mẩn món gỏi cá diếc bàu Súng nhưng nay người ăn món này rất hy hữu vì có nguy cơ bị sán lá gan. Gần đây, không biết vì sao lượng cá diếc trong bàu giảm rõ. Cá ít, giá bán có khi lên đến trăm ngàn đồng một ký.
Đi liền với mùa cá diếc là mùa bông súng. Những mầm cây dưới bùn tích tụ sức sống lâu ngày vươn lên, lá tròn trải kín mặt nước và trổ bông. Bông súng ở đây có màu tím sẫm, trắng xanh, trắng đục; chúng nở từ mờ sáng đến chiều thì khép lại trong vòng khoảng tuần lễ. Mùa bông súng ở bàu Súng nở, ai qua đây cũng ngỡ ngàng với nét đơn sơ, thanh khiết dịu dàng của nó. Người dân hái thân (cọng) bông súng chế biến những món ngon như: muối dưa, trộn rau sống, làm gỏi… cho bữa cơm thêm sắc màu. Một trong những món được nhiều người nằm lòng khi xa vùng đất này chính là gỏi bông súng. Cọng bông bẻ đôi bẻ ba, tước bỏ vỏ ngoài, cắt thành từng đoạn ngắn, rửa sạch. Thịt heo nạc, thăn bò hoặc ít tôm đất chần cho chín tái rồi xắt nhỏ. Chanh tươi, mắm ngon, đường ớt cùng bông súng, thịt, tôm trộn vào. Trên đĩa rải đậu phộng rang, điểm thêm những lát ớt chín, rau thơm các loại… Đơn giản vậy nhưng ta đã có một bữa gỏi bông súng chua cay ngon lành.
Không biết có phải vì ngâm mình trong bùn nước lâu ngày mà con nào, cây gì dưới bàu Súng cũng nức tiếng thơm ngon. Sau cá diếc, bông súng, phải kể đến con rạm, con lươn. Rạm rửa sạch, giữ nguyên gạch, nguyên càng. Gia vị cho món rạm ram đơn giản chỉ là vài củ sả cùng ớt, tiêu, mắm, nghệ… ướp vào rồi ram trên chảo dầu nóng. Khi thấm gia vị, những con rạm trở màu vàng rộm, thơm ngậy, ăn giòn và béo. Rạm ram ăn với cơm nguội mới đã, hoặc lai rai mỗi khi đãi khách tình thâm càng thích.
Ngoài rạm, lươn bàu Súng được xem là món “anh chị”. Lươn ở đây không to nhưng mập, thịt ngọt và làm được nhiều món như xào sả ớt, um bắp chuối, lẩu và món cháo. Lươn làm sạch cho vào nồi luộc cùng với một vài lát gừng vừa chín tới, vớt ra để tuốt thịt bỏ xương, nếu luộc chín quá thì xương sẽ rời từng đoạn, rất khó tuốt. Phần thịt đem ướp để sẵn trong tủ. Phần xương đem giã nhỏ, chần lấy nước cùng với tiết đã lấy trước đó cho vào nồi nước luộc lươn rồi cho gạo ngon vào nấu cháo. Gia vị kèm theo tô cháo lúc nào là một đĩa ớt trái xắt, tiêu bột, ít rau răm hoặc ngò gai xắt nhỏ, ăn kèm với bánh tráng nướng. Nồi cháo lươn là sự tổng hợp của nhiều hương vị béo, thơm, ngọt và ấm lòng.
Bàu Súng còn một đặc sản nữa mang lại thu nhập lớn cho phần đông người dân nơi này, đó chính là rau muống. Độ từ tháng ba, nước bàu cạn dần, người dân dỡ đất cấy rau muống với diện tích hàng chục héc ta. Rau muống bàu Súng được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, có lúc “xuất” lên đến tận vùng Phú Túc, Phú Bổn (Gia Lai). Rau muống ở đây giá rẻ (mỗi bó to giá chỉ từ 1.000 đến 2.000 đồng), xanh tốt, cọng giòn nên làm món luộc hay xào cũng tuyệt./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch