Làng gốm Vĩnh Hồng ngày cuối thu, đường vào làng ngai ngái mùi đất nung từ những lò gốm đang đỏ lửa. Những đống đất sét, cao lanh được phủ bạt đầy bên đường. Trong sân nhà dân, những sản phẩm gốm, sứ, bát đĩa, chum sành, vại sành bày la liệt.
Các cụ cao niên kể rằng, nghề gốm của làng có từ thế kỷ XVIII, theo chân những thợ lành nghề từ vùng Gia Lâm (Hà Nội) di dân đến đây. Tuy không có bề dày lịch sử như các làng gốm nổi tiếng Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chu Đậu (Hải Dương),… thế nhưng sản phẩm gốm Vĩnh Hồng lại mang một nét đặc trưng riêng bởi mẫu mã đẹp, độ bền cao, khả năng chịu va đập và độ bền men sứ tốt. Đặc biệt, làng gốm truyền thống này đến nay vẫn còn giữ được cách nung gốm bằng củi.
Đến thăm làng gốm Vĩnh Hồng, nhìn đâu cũng thấy đồ gốm, sứ, bát đĩa, chum sành, vại bày la liệt.
Anh Nguyễn Xuân Thống, chủ một cơ sở sản xuất gốm truyền thống ở Vĩnh Hồng cho biết: “Lò củi này đun được nhiều hàng lắm, ví dụ như 1 bầu của chúng tôi có thể đun được vài trăm chiếc sản phẩm. Đun bằng củi thì hàng rất bền vì lò luôn được ủ nhiệt, mà chi phí lại rẻ hơn rất nhiều so với lò ga. Lò ga vốn không đun được nhiều hàng to, mỗi lò ga chỉ chứa được vài chục sản phẩm; nhưng lò bầu, lò đun củi lại làm được nhiều sản phẩm to và giá thành hợp lí với người tiêu dùng”.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đình Cầu, gốm ở đây đều được nung suốt 24 giờ với nhiệt độ dao động từ 1.200 – 1.300 độ C, trong khi nhiều làng gốm truyền thống khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ nung ở nhiệt độ 800 độ C. Sản phẩm khi ra lò sẽ có độ bền cao, dày, ít bị nứt vỡ và hoa văn không phai màu do được chạm khắc trực tiếp vào sản phẩm chứ không phải vẽ trên men. Để làm ra một sản phẩm gốm có chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất là làm khuôn. Nếu làm khuôn không tốt, bị méo hoặc nước tráng không phù hợp thì sản phẩm khi đưa vào lò nung sẽ nứt vỡ ngay lập tức.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Cầu nói: “Việc đổ khuôn là khâu đầu tiên rất quan trọng, nếu muốn sản phẩm đẹp thì trước mắt phải do người làm khuôn và tạo mẫu mã, mẫu mã có đẹp thì sản phẩm ra mới đẹp được. Thứ hai là làm một cái khuôn phải chất lượng, độ hút nước, độ cứng của khuôn không vênh méo thì sản phẩm lấy ra mới đẹp, nhẵn và đạt tiêu chuẩn của làng nghề gốm Vĩnh Hồng”.
Để làm ra một sản phẩm gốm có chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất là làm khuôn.
Trước đây, cả làng Vĩnh Hồng đều làm gốm nhưng cũng có thời gian dài, làng gốm rơi vào tình trạng “nguội lửa” do thiếu những sản phẩm mới, đặc trưng. Một số hộ sản xuất chuyển sang công việc khác nên chỉ còn lại 17 hộ theo nghề. Ông Phạm Văn Thắng – Bí thư chi bộ gốm sứ Vĩnh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lan cho biết làng đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm chum vại lớn để đựng rượu, nước mắm, gạo… Sự thay đổi này đem lại lợi nhuận bình quân cho mỗi hộ từ 20 – 30 triệu đồng/1 tháng; tạo mức thu nhập ổn định từ 7 – 8 triệu đồng/1 tháng cho hàng trăm lao động.
“Chúng tôi cũng đã có những buổi giao lưu để trao đổi kinh nghiệm, từ cách sản xuất cũng như các phương án tiêu thụ gốm và học hỏi lẫn nhau. Bản thân tôi cũng học hỏi những ý tưởng hay của hộ gia đình xung quanh và các hộ cũng học hỏi kinh nghiệm trong cách làm gốm của chúng tôi. Do vậy mà trong thời gian vừa qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng chúng tôi cũng đã duy trì để ổn định được sản xuất và tiêu thụ” – ông Phạm Văn Thắng nói.
Những sản phẩm được làm từ làng gốm Vĩnh Hồng không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài. Ngoài ra, các hộ sản xuất ở đây cũng liên kết với nhiều hộ sản xuất gốm nhỏ lẻ tại các địa phương xung quanh để thành lập Hiệp hội Gốm sứ Đông Triều, giúp đỡ nhau cùng phát triển trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Sắp tới, khi khu vực sản xuất gốm sứ với diện tích 20ha được quy hoạch, làng nghề gốm sứ Vĩnh Hồng sẽ có nhiều điều kiện tốt để hình thành mô hình kết hợp giữa sản xuất và đón khách du lịch đến trải nghiệm, phát huy giá trị hơn 200 năm của làng nghề giàu truyền thống này.
Các sản phẩm gốm ở đây được nung bằng củi trong các lò bầu có nhiệt độ lên đến 1.200 – 1.300 độ C.
Ông Lê Văn Tình – Phó trưởng phòng Kinh tế (UBND thị xã Đông Triều) cho biết: “Trong thời gian vừa qua đối với nghề gốm sứ Đông Triều, chúng tôi xác định đây là ngành nghề tương đối đặc trưng, cần phải có những biện pháp bảo tồn và phát huy. Đầu tiên chúng tôi đã triển khai việc kiện toàn Hiệp hội Gốm sứ Đông Triều và xây dựng được nhãn hiệu tập thể gốm sứ Đông Triều. Thứ hai, chúng tôi phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ để hình thành trung tâm ươm tạo gốm sứ trên địa bàn; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất đưa sản phẩm của mình tham gia vào những chương trình xúc tiến thương mại”.
Sự chuyển mình của gốm Vĩnh Hồng để thích nghi với nhịp sống hiện đại cũng cho thấy sự năng động của người dân làng nghề, để không chỉ giữ được nghề, theo được nghề, mà còn đưa tinh hoa nghề gốm, đưa sắc màu văn hóa dân tộc tới đông đảo bạn bè quốc tế./.
CTV Thành Nam
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch