Trước đây, những cây mắc trai thân to vài người ôm mọc tự nhiên xum xuê bên những bản làng, cứ vào hè là trĩu trịt quả. Sau khi hồ thủy điện Hòa Bình hoàn thành, bà con tái định cư di vén tại chỗ từng bước ổn định cuộc sống, tái trồng lại những loại cây ăn quả hợp với khí hậu vùng nóng, Ban quản lý Dự án 747 Phù Yên phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện đầu tư cho bà con trồng đại trà các giống xoài lai, xoài hôi, xoài ghép… nay đã bắt đầu cho thu hoạch rộ.
Do đặc tính của các loại xoài lai có vị chua, giá bán không cao, nên xoài chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình, chưa trở thành hàng hóa. Khi xoài chín rộ, nhiều gia đình không bán kịp đã nảy ra ý tưởng chế biến làm bánh xoài (tiếng Mường gọi là tàng môi) để ăn dần. Chị Đinh Thị Nguyên, ở bản Bãi Vàng B, xã Đá Đỏ (Phù Yên) kể: “Nhà có hơn nửa ha xoài ghép, năm nào cũng thu hơn tấn quả, ăn không xuể, bán không hết bèn dùng kinh nghiệm các cụ truyền lại chế biến bánh xoài. Thứ bánh này ăn khá ngon, vị thơm lạ, bảo quản được lâu. Ban đầu làm ít một để ăn, nay thị trường có nhu cầu chúng tôi làm nhiều, có ngày chế biến cả tạ, bán rất được giá”.
Quy trình chế biến bánh xoài cũng không cầu kỳ phức tạp. Bà con chỉ việc gom nhặt quả chín, không bị sâu, thối, rửa sạch vỏ, cho vào nồi to nấu chín nhừ, vớt bỏ vỏ, hạt, lọc kỹ lấy nước cùi xoài đem nấu cô đặc lại đổ ra khay, đĩa, mâm (tùy lượng nhiều hay ít), rồi láng mỏng đem phơi khô như làm bánh đa vậy. Sau khi bánh đã ngả màu vàng mật, gấp lại xếp vào chõ xôi lên khoảng 30 phút, đổ ra quạt khô rồi tiếp tục đem phơi đến khi thành bánh dẻo, cất vào túi ni lông sạch bảo quản. Khi ăn, lấy bánh ra cắt thành từng miếng vuông cỡ bao diêm bày lên đĩa để thưởng thức. Bánh xoài có mùi thơm đặc biệt tựa mật ong, vị ngòn ngọt, chua chua, dìu dịu, rất dễ ăn. Về các bản vùng hồ mùa này, nhà nhà đều đem bánh xoài ra mời khách thưởng thức. Bây giờ “đặc sản” bánh xoài được du khách gần xa và cả tư thương theo các tàu chợ từ Hòa Bình lên đặt mua với giá từ 200-250 ngàn đồng/kg mà bà con vẫn không có đủ để bán.
Từ khi bánh xoài trở thành hàng hóa kéo theo sản phẩm xoài ghép ở vùng hồ cũng được giá. Nếu những năm trước 1 kg xoài chỉ bán với giá 2 nghìn đồng thì nay bà con mua gom tại vườn với giá bình quân 5-6 nghìn đồng/kg; vụ xoài ghép năm nay ở vùng hồ sông Đà nhiều hộ làm dịch vụ thu nhập thêm từ 50-60 triệu đồng. Bà con rất mong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tư vấn, hỗ trợ, đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản để bà con xây dựng thành thương hiệu, phát triển thành một nghề mới./.<!—->
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch