Để có một món bánh trôi ngon và hấp dẫn, người đầu bếp phải kỳ công chọn lựa rất kỹ càng từ nguyên liệu như bột nếp, vừng đen, dừa nạo,gừng tươi, đường thốt nốt hay mật mía. Loại gạo được chọn để làm vỏ bánh phải là loại nếp thơm, to tròn, đều hạt, nhiều nơi cầu kỳ hơn một chút còn đặt hàng ở quê. Gạo nếp được phơi già hạt để khi đun lên bột bánh nở, dai và thơm hơn. Gạo trước khi đem xay thành bột được ngâm trong nước cùng chút muối trắng khoảng một ngày, thỉnh thoảng thay nước để tránh bị chua, sau đó được đem đi xay. Sau nhiều công đoạn như lặng, hút ẩm… sẽ có thứ bột mềm để nặn bánh. Nhân bánh được làm từ vừng đen, lạc rang giã nát và cùi dừa nạo, đun nóng cùng một lượng nhỏ nước theo một tỉ lệ nhất định để đảm bảo đủ độ bùi và béo ngầy ngậy.
<!—->
Sau khi đã có vỏ và nhân bánh, công đoạn nặn bánh cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm. Những chiếc sủi dìn nhỏ xinh xắn được nặn đều tay sao cho vừa miệng mà nhân bánh không bị lộ ra ngoài, hơn nữa cũng phải vo nắn thật khéo để khi thả vào nồi nước bánh không bị vỡ nát mới đạt yêu cầu. Từng mẻ sủi dìn sau khi nặn sẽ được thả vào nồi nước đang sôi, chừng 5 – 7 phút bánh nổi lên thì vớt ra bát ăn cùng với nước dùng nóng.
Nước dùng làm sủi dìn có vị đặc trưng riêng, thơm dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với mật mía hoặc đường thốt nốt. Màu vàng cánh gián song sánh của nước dùng khi tưới lên sủi dìn trông rất bắt mắt và hấp dẫn.
Không ít thực khách khi lần đầu được thưởng thức sủi dìn tại thành phố Hoa Phượng Đỏ đã phải ngạc nhiên vì sự lôi cuốn kỳ lạ của thứ bánh dân dã này. Những viên sủi dìn mềm dai, dẻo thơm hòa quyện với vị béo, bùi của vừng đen, dừa, lạc cùng nước dùng ngọt thanh… Tất cả tạo nên một phong vị riêng có cho thức quà giản dị rất Hải Phòng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch