Nằm ở phía tây bắc của “vựa lúa Thái Bình”, Hưng Hà quê tôi không thiếu những món quà quê dân dã làm từ lúa, trong đó phải kể đến bánh đa Làng Me, bánh chưng phố Lẻ, và nhất là bánh rắn Đô Kỳ.<!—->
Không nổi tiếng khắp mọi miền như bánh giò, bánh tẻ, bánh khoai sọ… mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ hàng quà vặt nào của đất Hà Thành, bánh rắn quê tôi khiêm nhường ở lại như một cách riêng để níu giữ những người con của quê hương, dù đi xa nơi đâu cũng nhớ tới.
Bánh rắn được làm bằng gạo tẻ hạt đều, ngâm nước mưa 4- 5 tiếng cho mềm rồi đem xay mịn. Công đoạn tiếp theo là cho bột vào lọc khô và nhào nhuyễn đến khi bột không dính tay.
Nhân bánh cũng không cầu kỳ, thịt đủ mỡ và nạc rửa sạch, luộc qua và thái dài khoảng 3 cm, hành khô bóc lớp vỏ ngoài đập dập, cho vào chảo mỡ nóng già phi vàng. Trộn hành khô vàng rộm vào thịt đã thái sẵn, ướp chút gia vị, nước mắm vừa ăn, thêm chút dọc hành tươi cũng đủ dậy mùi, mê đắm lòng người.
Mùa nào thứ ấy, khi thì lá rong, khi thì lá chuối, rửa sạch từng tàu, để ráo, lau thật khô. Trải tấm lá xanh mát, đầy ắp thiên nhiên xanh sạch, nắm một nắm bột vừa đủ đặt dọc thân lá, cho nhân thịt hành vào giữa, nắn tròn tay, dọc theo sống lá. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của người làm bánh chợ Đô Kỳ gập hai đầu lá mới thấy hết nghệ thuật của người gói bánh. Bánh gói xong được giữ bằng những sợi rơm, hoặc dây chuối phơi khô tước nhỏ, quấn quanh thân.
Đặt những chiếc bánh gói đều tay xinh xắn vào cái mẹt tre, chờ nồi nước sôi sùng sục thả bánh vào, đun vừa lửa khoảng 3 – 4 tiếng để bánh rắn nhưng không cứng, mềm nhưng không nhũn. Vớt bánh ra rổ cho ráo nước rồi ủ nóng kịp cho buổi chợ sớm tinh sương.
Bánh rắn ăn nóng, vị bùi ngọt tinh tuý của gạo tẻ, béo ngậy của thịt lợn, mùi thơm của hành… thưởng thức cùng chút nước mắm nguyên chất, thêm chút ớt tươi tê tê đầu lưỡi hẳn không ai có thể quên được./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch