Nghề mộc thủ công tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, tất cả 63 tỉnh và thành phố trên cả nước đã hoàn thành việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP.
Hiện cả nước đã có gần 1.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% 4 sao, 0,6% là sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm đã đạt 5 sao, được công nhận bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ thể OCOP có tổng cộng 5.069, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, và 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các sản phẩm OCOP truyền thống từ các làng nghề đang có nhiều ưu thế về số lượng và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là hướng đi đúng của các địa phương nhằm từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm có giá trị cả về kinh tế và văn hóa đặc trưng.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, mục tiêu của Thủ đô, đến năm 2025, các địa phương sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố phải có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo của Thành ủy, các địa phương phải tập trung phát triển mạnh các sản phẩm OCOP truyền thống, ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế, thu hút nguồn lao động có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Sản xuất gốm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Tại huyện Đông Anh, thực hiện mục tiêu đặt ra của thành phố, huyện đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, hoàn thành hồ sơ đúng tiến độ.
Đến nay, huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 52%) và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Về nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân trên địa bàn đến hết năm 2022 đã đạt 73,8 triệu đồng/người/năm.
Để có nguồn lực phát triển bền vững cho các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển kinh tế, trong đó thúc đẩy mạnh mẽ các sản phẩm OCOP tại mỗi xã.
Các xã trong huyện phấn đấu đến hết năm nay, tiếp tục phát triển, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng cấp được ít nhất 40 sản phẩm được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Trong tổng số 186 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP huyện Đông Anh tập trung phát triển mạnh nhóm các sản phẩm truyền thống; có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau củ quả và thực phẩm tươi sống, 52 sản phẩm chế biến; 3 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ.
Về chủ thể, số chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là 56 chủ thể. Trong đó, 25 chủ thể là hợp tác xã, 16 chủ thể là hộ kinh doanh, 15 chủ thể là doanh nghiệp.
Huyện Chương Mỹ hiện có 36 làng nghề, một số nghề truyền thống rất phát triển như: Sản xuất mây tre giang đan, mộc, thêu ren… Với thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, Bưởi Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, trứng gà Tiên Viên… đã tạo điều kiện thuận lợi để Chương Mỹ thực hiện Chương trình OCOP.
Hiện nay, huyện đang tập trung rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của huyện để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu, xây dựng các sản phẩm OCOP của huyện. Đồng thời, huyện cũng phát triển, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm được đánh giá và được UBND thành phố cấp 3 sao trở lên; nâng cấp 5 đến 10 sản phẩm đã được cấp 4 sao lên thành 5 sao.
Sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, huyện đã có có 145 sản phẩm được UBND thành phố phân hạng, cấp sao. Các sản phẩm OCOP hiện đã tham gia quảng bá giới thiệu tại các hội chợ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời sẽ tạo điều kiện mở rộng và phát triển kinh doanh cho các Hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Mặc dù là huyện miền núi, có nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, huyện Ba Vì cũng có 20 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 11 làng nghề chế biến chè búp khô, ba làng nghề sơ chế thuốc nam, ba làng nghề sản xuất nón lá, và một xã Thuần Mỹ, 1 làng nghề trồng hoa mai trắng.
Hiện đã có 19/20 làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động ổn định, tạo nhiều sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, có thu nhập tốt. Năm 2023, UBND huyện ban hành kế hoạch về triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023. Tính đến nay có 47 sản phẩm đăng ký đánh giá phân hạng (7 sản phẩm đánh giá lại, 40 sản phẩm đánh giá mới).
Thành phố đã có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề”, 48 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống” với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (có 69 làng nghề); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (có 22 làng nghề); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (có 197 làng nghề); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh (có 13 làng nghề); xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn (có 16 làng nghề); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn (có 5 làng nghề).
Các địa phương có làng nghề của Thủ đô đã tăng trưởng cả về doanh thu và giá trị sản xuất. Trong đó, theo thống kê, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4-5,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Đặc biệt gần đây có các làng nghề đã tạo ra thu nhập bình quân lao động đạt từ 24 đến 26 triệu/người/tháng (như các làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làm gốm sứ, đồ mộc…). Nhiều sản phẩm OCOP truyền thống của các làng nghề đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Vũ Thành
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch