Sa Huỳnh là một vùng đất ven biển mà tên gọi bắt nguồn từ tên gọi thương cảng Sa Huỳnh. Tại đây, từ đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học người Pháp như M.Vinet, M.Colani, O.Jansee… đã khảo sát và phát hiện nhiều hiện vật của cư dân tiền sử và những chiếc bình bằng gốm.
Trong đó, đồ gốm Long Thạnh là loại bình hình lọ hoa gốm độc đáo nhất. Truyền thống gốm Long Thạnh còn kéo dài qua giai đoạn sớm của Bình Châu, đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh Phú Khương (Quảng Ngãi), Gò Ốc (Phú Yên), Tăng Long (Bình Định).
Đáng chú ý, bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh gồm 18 bình hình lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay niên đại cách nay khoảng 3.000 năm được công nhận “Bảo vật quốc gia”. Đây là di sản văn hóa của người Sa Huỳnh cổ được tìm thấy trong cuộc khai quật di tích khảo cổ Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh được công nhận “Bảo vật quốc gia”. Ảnh: Nguyễn Trang
Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh dần đi vào quên lãng. Thế nhưng, Hợp tác xã (HTX) Gốm tiền sử Sa Huỳnh được thành lập cuối tháng 11-2023 đã đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm làm hồi sinh dòng gốm này. HTX ra đời là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Ở xóm 26, thôn Vĩnh An (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) vẫn còn 3 hộ với 7 người thợ vẫn giữ nghề làm gốm. Đây là xóm duy nhất có những người thợ kế thừa cách làm gốm thủ công, không dùng máy móc hay điện năng.
Dựa theo hình mẫu, những người thợ làm gốm tại xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đã phục dựng, hồi sinh cách làm và hoa văn gốm cổ Sa Huỳnh. Ảnh: Nguyễn Trang
Khôi phục một nghề gốm đã có niên đại 2.000-3.000 năm không phải là điều đơn giản, các thợ gốm ngày nay đã không còn biết về đặc trưng gốm cổ Sa Huỳnh. Muốn phục dựng lại, họ phải “quên hết” cách làm các dòng gốm khác, quay lại với cách làm thủ công, thay đổi cách nung, trang trí hoa văn để gốm cổ Sa Huỳnh tiếp tục trường tồn trong dòng chảy đương đại.
Bà Trần Thị Mỹ (58 tuổi, xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh) đã nối nghiệp cha mẹ làm nghề gốm, các sản phẩm chủ yếu là nồi, ấm nấu nước bằng đất nung dùng trong sinh hoạt. Bà cho biết: “Từ khi Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, người dân quê tôi được thăm quan, tận mắt nhìn bình gốm cổ hàng ngàn năm. Tôi quyết tâm đồng hành cùng HTX phục dựng dòng gốm này, đóng góp công sức vào bảo tồn văn hóa Sa Huỳnh cổ”.
Để làm ra sản phẩm gốm mô phỏng gốm cổ Sa Huỳnh, người thợ trải qua nhiều công đoạn như khâu chọn đất sét, dùng tay nhào thật kỹ rồi đắp thành từng ụ đất lớn, tạo nên độ mịn, dẻo.
Bà Mỹ cho biết: “Khâu khó nhất là khâu nặn đất, một tay tạo hình, một chân đẩy liên tục bàn xoay nhịp nhàng. Nhiều nơi, khi đến khâu tạo hình trên bàn xoay, họ sử dụng bàn xoay bằng điện để giảm sức nhưng tôi và các hộ dân ở đây vẫn giữ cách làm xưa, nhất là dùng chân đạp bàn xoay. Sau đó đến vẽ trang trí, nung sản phẩm trong lò nung bằng đất, phơi nắng cho rắn chắc”.
Người thợ làm gốm dựa trên tư liệu do các chuyên gia tập hợp từ đặc trưng bình gốm Long Thạnh trong văn hóa Sa Huỳnh để hồi sinh một dòng gốm cổ. Ảnh tư liệu HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh
Mô phỏng theo bình gốm cổ Sa Huỳnh, những người thợ chưa quen với lối tạo hình gốm cổ nên đôi chút bình gốm vẫn còn ảnh hưởng kiểu dáng đương đại. Bà Mỹ chia sẻ: “Hồi xưa, họ chuốt những bình gốm, nồi đồng, in hoa văn lên, tôi xem theo cách người xưa và làm y họ, cũng vẽ sóng biển, vẽ hoa lên, làm thành phẩm cho đẹp. Khách hàng đến, thích cái nào thì mua cái nấy và qua đó truyền bá về nền văn hóa Sa Huỳnh”.
Trên cơ sở nhận định về đặc trưng di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh của các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu, bình đồ gốm Long Thạnh có dáng cao, rất cân đối ở bố cục phần vành miệng, eo, vai, bụng, chân đế. Đồ án hoa văn trang trí được tổng hợp là các hoa văn khắc vạch, in chấm que, in mép sò, văn thừng, các hình tam giác liên hoàn, hình chữ S giống như sóng biển hay những mép răng cưa. HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh đã tập huấn, chia sẻ với các hộ dân về đặc trưng của gốm cổ Sa Huỳnh.
Chị Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, thành viên HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh, cho biết: “Theo như nền văn hóa Sa Huỳnh, trước đây, cư dân cổ đã dùng bàn xoay chậm để làm gốm và hiện nay các hộ dân trong thôn Vĩnh An vẫn dùng bàn xoay chậm. Đây là khâu thủ công nhất đến ngày nay còn bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Các hoa văn trang trí của tiền sử Sa Huỳnh đã được các chuyên gia tổng hợp và hỗ trợ các hộ dân để làm hình mẫu gốm Sa Huỳnh. Qua quá trình tạo tác, nhiều sản phẩm đã mô phỏng tương đối theo hình dáng gốm cổ Sa Huỳnh và đạt tỷ lệ rất tốt”.
Về màu sắc, đồ gốm Long Thạnh, nguyên liệu tô màu là những thỏi chì được mài thành bột, pha nước và vẽ lên gốm nung. Hiện nay, 3 hộ dân thôn Vĩnh An đều để màu sắc đất nung tự nhiên, hướng đỏ nâu, vàng cam của lửa nung, đôi khi vẫn còn vết đen do lửa nung lớn.
Ngoài hộ bà Mỹ thì còn vợ chồng ông Nguyễn Diên (58 tuổi, xóm 26, thôn Vĩnh An), gia đình bà Mai Thị Hồng Tư (64 tuổi), họ đều kế thừa truyền thống làm gốm của gia đình từ nhiều đời. Cụ bà Nguyễn Thị Ni (84 tuổi) là người lớn tuổi nhất vẫn miệt mài với nghề làm gốm, cách làm gốm và trang trí của bà gần với cư dân Sa Huỳnh cổ. Bà Ni cho biết: “Tôi làm gốm từ đời ông bà, cha mẹ rồi giờ tôi truyền lại cho con, cho cháu tiếp tục giữ nghề gốm chứ không được bỏ nghề”.
Nhiều gia đình bảo tồn, giữ gìn nghề làm gốm qua nhiều đời, nhiều thế hệ như gia đình cụ Ni. Ảnh: Nguyễn Trang
Chị Trần Thị Thu Thủy cho biết: “Hiện tại, mục tiêu phát triển là giúp người dân bảo tồn làng nghề, ngoài việc làm sản phẩm thông thường phục vụ sinh hoạt, những người thợ tham gia làm bình gốm, vẽ hoa văn mô phỏng, hồi sinh sản phẩm của cư dân Sa Huỳnh niên đại cách đây 2.000-3.000 năm. HTX sẽ tổ chức hoạt động cho khách tham quan, các em học sinh đến thăm quan và trực tiếp trải nghiệm cách làm gốm mà các hộ dân đang làm”.
Lối hoa văn, tạo hình nặn đất trên những chiếc bình, nồi đất nhỏ của bà Trần Thị Mỹ khá giống với bình gốm Long Thạnh, văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Nguyễn Trang
Bà Mỹ chỉ nung sản phẩm trong lò nung và sử dụng họa tiết như cư dân Sa Huỳnh cổ đã làm như dùng vỏ sò in ấn, dùng tăm nhỏ để vẽ hay chấm các đường viền trang trí. Ảnh: Nguyễn Trang
Nguyễn Trang
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch