Du khách mua sắm hàng lưu niệm tại làng nghề hương trầm Thủy Xuân
Nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 7km về hướng tây nam, làng nghề hương trầm Thủy Xuân từ lâu đã thu hút khách với hàng chục cơ sở vừa thao diễn nghề trầm hương, vừa kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, quà tặng và cho thuê áo dài cổ phục để check-in, tạo nên một không khí nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu cho cả tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Xuân, TP. Huế.
Nổi tiếng với nghề làm hương trầm có tuổi đời hàng trăm năm, đến nay nghề làm hương vẫn được người dân Thủy Xuân tiếp tục duy trì và lưu giữ, đồng thời các cơ sở nghề đã đầu tư chỉnh trang cửa hàng, bổ sung thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút khách. Tại đây, nhiều cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang trí cửa hàng, mua sắm các loại áo dài cổ phục, áo dài ngũ thân, phụ kiện, dù… để phục vụ du khách.
Theo chị Bích Loan, hơn 35 năm gắn bó với nghề hương trầm, chưa bao giờ làng nghề sôi động và thu hút khách như những năm trở lại đây khi số lượng khách đến tham quan, mua sắm và sử dụng các dịch vụ tại cửa hàng ngày càng tăng. “Có những ngày cao điểm, cửa hàng đón khoảng 200 lượt khách đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm, quà tặng và thuê áo dài check-in. Khách đông, doanh số bán hàng và doanh thu từ dịch vụ cho thuê áo dài tăng nên cơ sở đầu tư kinh phí chỉnh trang cửa hàng, bổ sung thêm hàng hóa nhằm xây dựng thương hiệu dịch vụ thu hút khách”, chị Loan chia sẻ.
Chị Như Trang, chủ cơ sở Trầm Hương cho rằng, du khách đến làng hương sẽ được trải nghiệm miễn phí, được thao diễn nghề, người dân cũng có lợi nhuận thu về từ các dịch vụ và bán hàng nên mọi người rất phấn khởi. Ở đây không có tình trạng chèo kéo mà để khách tự nhiên lựa chọn sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ theo ý của mình nên du khách khá thoải mái.
Cùng với làng hương Thủy Xuân, thời gian gần đây số lượng khách du lịch đến Huế tham quan kết hợp mua những sản phẩm thủ công truyền thống ngày một tăng. Một số chuyên gia du lịch nhận định, sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và nghề thủ công truyền thống đã mang lại sự mới mẻ, sức hấp dẫn cũng như hiệu quả kinh tế cho các làng nghề, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.
Nhằm thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã đầu tư xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề; chính quyền địa phương cũng chú trọng việc tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với làng nghề để thu hút khách du lịch; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như phong tục, tập quán, lễ hội… của làng nghề gắn phát triển du lịch.
Theo đánh giá từ lãnh đạo Sở Du lịch, những năm trở lại đây người dân làng nghề hương trầm Thủy Xuân nói riêng và các làng nghề, như: Hoa giấy, thêu, mộc mỹ nghệ, đúc đồng… nói chung rất sáng tạo trong việc tạo ra nhiều dịch vụ, mẫu mã mới để thu hút du khách. Việc tận dụng, khai thác những giá trị của làng nghề truyền thống không chỉ thúc đẩy làng nghề phát triển mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, vùng đất, con người của mỗi địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ việc phát triển du lịch làng nghề, nhiều địa phương trong tỉnh dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Khánh Thư
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch