Thăng trầm
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 66 làng nghề, với nhiều tên tuổi lâu năm như gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, vàng bạc Châu Khê… Giống như nhiều làng nghề trong cả nước, lịch sử làng nghề truyền thống của Hải Dương cũng trải qua không ít thăng trầm.
Trong lịch sử, Hải Dương có nhiều làng nghề dệt chiếu, như Uông Thượng, Uông Hạ, Chu Đậu, Mặc Xá của huyện Thanh Lâm (Nam Sách ngày nay); Quảng Uyên, Chu Uyên (Tứ Kỳ), hay Nga Hoàng (nay là Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng của huyện Cẩm Giàng). Song có lẽ, làng nghề chiếu cói Tiên Kiều có sức sống bền bỉ nhất và đã ăn sâu vào ký ức của bao thế hệ người dân ở đây.
Làng nghề dệt chiếu cói Tiên Kiều – Hải Dương không chỉ giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập mà còn thể hiện nét đặc trưng văn hóa của người Việt.
Tiếc rằng, ở xã Thanh Hồng không có một ghi chép nào về sự ra đời của làng nghề này hoặc ai là tổ nghề, ai đã mang nghề dệt chiếu về đây. Chỉ biết, nghề dệt chiếu cói ở Tiên Kiều đã có hàng trăm năm nay. Trước kia, những đứa trẻ 6-7 tuổi đã biết chao cói, tuột màu, cuốn biên, mắc đay, se sợi. Khi đó, những cây đặc sản như vải thiều, bưởi đào chưa phát triển ở Thanh Hồng thì cả làng Tiên Kiều bạt ngàn những cánh đồng trồng cói. Cói xanh mướt mắt từ trong nhà ra đến tận bãi sông.
Theo kinh nghiệm của những người làm nghề dệt chiếu, cói nguyên liệu của Thanh Hồng là cói trồng ở vùng nước ngọt nên mềm mại, có mùi thơm đặc trưng và làm ra những chiếc chiếu rất bền, không như cói ở những vùng nước mặn. Người làng Tiên Kiều chọn giống để làm chiếu là những cây cói tròn, sợi dẻo dai, óng ả. Đây còn gọi là “cói cơm”. Hễ khi ruộng cói chuyền dần từ màu xanh sang vàng là cói chín. Bây giờ, thay vì những ruộng cói ngút ngàn khi ấy là những vùng trồng vải thiều, bưởi đào từ nhà ra ngõ, ra tận sát cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chạy qua làng.
Thời hoàng kim của nghề dệt chiếu, cả thôn Tiên Kiều có đến hàng chục ha trồng cói. Giờ diện tích thu hẹp, cả làng chỉ còn lại vài sào được trồng xen trong vườn vải. Vải thiều, bưởi đào là những cây đặc sản của Thanh Hồng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Vì thế, các ruộng trồng cói ngày càng co lại, cũng như nghề dệt chiếu ngày càng mai một.
Nguyễn Thị Khuyên sinh ra, lớn lên ở làng trong tiếng kẽo kẹt suốt ngày đêm của khung dệt chiếu. Gia đình bà đã duy trì hàng trăm năm qua. Ngày nay gia đình bà Khuyên vẫn còn 1 chiếc khung dệt, song chỉ làm chiếu khi có khách gọi điện đặt mua. Theo bà Khuyên, ở Tiên Kiều bây giờ chỉ còn người lớn tuổi làm nghề vào những lúc nông nhàn. Tuyệt nhiên không còn hình ảnh người trẻ tuổi ngồi dệt chiếu. Dù là nghề gắn bó từ thời cụ kỵ, đã nuôi sống họ qua những giai đoạn khó khăn của đất nước song ít ai tha thiết. Bởi lẽ thu nhập từ nghề dệt chiếu không thể so sánh với mức lương khi họ đi làm công nhân cho các doanh nghiệp quanh vùng.
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 66 làng nghề, với nhiều tên tuổi lâu năm như gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, vàng bạc Châu Khê (Ảnh minh họa)
Các làng nghề tạo việc làm cho địa phương
Vốn quen nghề mộc từ bé, anh Bùi Huy Giang (làng mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang) cho biết: “Nghề mộc Cúc Bồ ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Gia đình tôi 3 đời làm nghề này rồi. Năm 14 tuổi, tôi cũng đã tập tành theo nghề. Trước đây, sản phẩm mộc ở Cúc Bồ khá đơn điệu, đơn giản chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương với mức giá hợp lý. Nhưng nhiều năm nay, mộc Cúc Bồ nổi tiếng khắp cả nước nhờ những công trình nhà ở, đình, chùa… do chính tay chúng tôi – những người thợ Cúc Bồ đục đẽo”.
Ông Bùi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc (huyện Ninh Giang) – cho hay: “Với số hộ dân theo nghề mộc lên đến 700 hộ, để phát huy giá trị của làng nghề, sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền quảng bá về thương hiệu làng nghề. Bên cạnh đó, hướng tới xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp tập trung để làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại cũng như phát triển việc truyền dạy nghề cho con cháu trong thời gian tới giúp lưu giữ nghề mộc cổ Cúc Bồ”.
Hiện nay, không ít người làm mộc ở làng Cúc Bồ đã mở xưởng, mua trang bị máy móc hiện đại lên tới cả tỉ đồng để phát triển sản xuất nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng. Hiệu quả kinh tế từ nghề mộc truyền thống đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương.
Giống như nhiều làng nghề trong cả nước, lịch sử làng nghề truyền thống của Hải Dương cũng trải qua không ít thăng trầm (Ảnh minh họa)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề với 11 nhóm, ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp với hơn 5.000 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó có hơn 68% thuộc ngành nghề truyền thống. Các làng nghề đã thu hút khoảng 22.000 lao động thường xuyên tại các địa phương, tăng khoảng 1% so với năm 2023.
Các làng nghề không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đặc sắc ở mỗi địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề đã có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế, văn hóa như mộc Đông Giao (Lương Điền, Cẩm Giàng), bánh đa Hội Yên (Chi Lăng Nam, Thanh Miện), thêu Xuân Nẻo (Hưng Đạo, Tứ Kỳ), vàng bạc Châu Khê (Thúc Kháng, Bình Giang)…
Sự thay đổi của thời cuộc, nhu cầu của thị trường, nhiệt huyết của nghệ nhân… trở thành “lửa thử vàng” quyết định đến sự tồn tại của làng nghề. Đến nay, nhiều nghệ nhân ở Hải Dương vẫn bền bỉ giữ nghề, nhiều làng nghề đã hồi sinh trở lại, không chỉ lấy lại những gì tưởng như còn vang bóng một thời mà đã nhập cuộc, bắt nhịp với những yêu cầu mới của xã hội, trở thành những sản phẩm nổi tiếng xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Trung Thành
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch