Phở bò Nam Định<!—->
Từ những năm 1940, cuốn sách ẩm thực nổi tiếng Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam đã ghi xuất xứ của món phở bò là xuất phát từ các làng nghề ở Nam Định. Đó là ba ngôi làng Vân Cù, Tây Lạc, Giao Cù thuộc huyện Nam Trực cách thành phố Nam Định khoảng chục cây số về hướng cầu Đò Quan.
Phở bò là món ăn quen thuộc của người Việt với nhiều biến tấu khác nhau. Thế nhưng phở bò truyền thống của Nam Định vẫn được nhiều người yếu thích. Một bát phở ngon không thể thiếu nước dùng trong, ngọt cùng với bánh phở trắng mềm. Miếng thịt thái đều nhau, ăn vào không dai mà còn ngon đến miếng cuối cùng. Thêm một chút chanh tươi, ớt và rau thơm thì càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của bát phở. Vậy nên, để có được một bát phở ngon truyền thống thì mỗi nguyên liệu nhỏ cũng góp phần tạo nên hương vị đặc biệt của nó.
Ngày nay, với bảng hiệu quảng cáo “Phở bò Nam Định” có mặt ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hay ra cả nước ngoài, nhưng muốn ăn món phở bò ngon như danh tiếng lưu truyền, thì hãy một lần thưởng thức món phở bò Nam Định tại Nam Định.
Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm là món ăn dân gian được nhiều người ưa thích, đặc biệt là dân nhậu. Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi nem mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.
Người dân ở đây đã lưu truyền nhiều câu chuyện kể cho du khách về sự quyến rũ của món nem nắm. Ông Bất Hựu là một dũng tướng của khởi nghĩa Phan Bá Vành chỉ vì mê nem nắm mà đã biến cô con gái ông chủ tiệm thành bà phó tướng. Có một Việt kiều về thăm quê, lúc ra sân bay trở lại Mỹ đã phải mua cả một cái tủ đá để đựng 10 kg nem nắm để làm quà cho người thân xa quê. Thương hiệu “Nem nắm Giao Thủy” ngày nay đã sánh vai với thương hiệu sản phẩm của nhiều địa danh khác như : cốm làng Vòng (Hà Nội) mè xửng (Huế), kẹo Cu Đơ (Hà Tĩnh)…
Chè kho
Chè kho là món ăn có ở nhiều nơi, nhưng có lẽ không ở đâu là món ăn thông dụng và được yêu thích như ở thành phố Nam Định.
Nấu chè kho, nguyên liệu quan trọng là chọn đỗ. Đỗ được chọn để nấu chè thường được trồng ở các mảnh ruộng có đất thịt pha cát, đặc biệt ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên và vùng đất bãi ven sông Đào, sông Đáy. Đỗ được chọn, phải nhặt kỹ. đãi sạch vỏ rồi đem đồ lên. Công đoạn khó nhất là lúc cho đỗ đã chín vào cối giã, nắm lại và dùng dao thái cho thật tơi, mịn. Công đoạn quấy đường với đỗ có nhiều cách, tùy theo bí quyết của từng người. Có người hòa đường với nước, đun sôi vừa phải mới cho đỗ vào khuấy đều, đến khi đường và đỗ quyện vào nhau đặc quánh thì được. Có người thì cho đường trộn ngay với đỗ, thì phải khuấy đều tay, vừa lửa. Nước đỗ chuyển từ khô sang loãng, sôi lục bục đến khi đặc quánh thành món chè kho.
Vào các dịp lễ, Tết, trong góc chợ,hay đầu phố thành Nam, các đĩa chè kho vàng rực, bên những đĩa xôi gấc đỏ thắm thu hút các bà, các cô đi chợ. Du khách cũng có thể tìm đến một hàng bán xôi chè nào đó để thưởng thức món quà quê dân dã mà thơm ngon này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch